Tỉnh Tây Ninh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.
Báo cáo của UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm tỉnh Tây Ninh ước thực hiện 26.898 tỷ đồng, tăng 4,07% so với cùng kỳ. Tỷ trọng nông – lâm – thủy sản; công nghiệp – xây dựng; dịch vụ trong GRDP theo giá hiện hành ước đạt 17,7% – 45,3% – 32,1% so với kế hoạch năm 2023 là 18-19%; 46-47%; 29 – 30%).
Ước tổng thu NSNN trên địa bàn đạt 6.042 tỷ đồng, đạt 54,9% dự toán; trong đó, thu nội địa 5.078 tỷ đồng, đạt 52,9% so dự toán, tăng 0,1% so với cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (NSĐP) 5.883 tỷ đồng, đạt 52,7% dự toán.
Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023, ông Kiều Công Minh – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tây Ninh cho biết, ước giải ngân đến 30.6.2023 khoảng 1.918 tỷ đồng, đạt 47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 42% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Qua đánh giá, các đơn vị sử dụng vốn đầu tư công đã nỗ lực trong công tác triển khai và giải ngân ngay từ đầu năm. Tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm 2023 của tỉnh xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố theo công bố tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Du lịch vẫn là điểm sáng của tỉnh, Tây Ninh trở thành một trong những điểm đến nổi bật trong cả nước, chất lượng phục vụ du lịch ngày càng được nâng cao. Lượng khách tham quan khu, điểm du lịch đạt gần 3,5 triệu lượt với tổng doanh thu đạt gần 1.450 tỷ đồng. Hoạt động văn hóa, văn nghệ được tổ chức sôi nổi, hiệu quả, đi vào chiều sâu, gắn với tạo dựng hình ảnh địa phương và xây dựng văn hóa, con người Tây Ninh, đồng thời giới thiệu và quảng bá hình ảnh tỉnh Tây Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.
Tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong cải cách hành chính; thực hiện thí điểm tiếp nhận hồ sơ giải quyết các thủ tục hành chính trực tuyến và trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích. Các chính sách về an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân được quan tâm…
Theo đánh giá của UBND tỉnh Tây Ninh, kinh tế trong tỉnh tăng trưởng tích cực hơn trong quý II/2023 và đạt mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm là 4,07%. So với vùng Đông Nam Bộ, Tây Ninh đứng thứ 2 về tăng trưởng kinh tế trong vùng. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch được tích cực triển khai, mở ra nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp trên địa bàn.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 7.655 doanh nghiệp, với số vốn 193.335 tỷ đồng. Nguồn vốn thu hút đầu tư nước ngoài tăng khá so với cùng kỳ (tăng 126,5%). Công tác ngoại giao kinh tế đóng góp thiết thực vào thúc đẩy hợp tác.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 6/2023, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đề nghị các ngành, địa phương tập trung chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế; nhất là lĩnh vực đất đai, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là các công trình trọng điểm năm 2023. Bên cạnh đó, các ngành, các địa phương triển khai nhanh, kịp thời, đầy đủ các chính sách hỗ trợ, chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp để doanh nghiệp vượt qua khó khăn và có điều kiện thúc đẩy sản xuất.
“Trong thời gian tới, tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là tập trung nâng cao chất lượng hiệu quả của trung tâm điều hành, bảo đảm cung cấp kịp thời thông tin đầy đủ về dữ liệu ở tất cả các ngành, lĩnh vực; Nâng cao chất lượng hiệu quả trung tâm giám sát, điều hành chỉ tiêu kinh tế – xã hội IOC; Hoàn thiện chất lượng dịch vụ công trực tuyến, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân thực hiện thủ tục hành chính qua mạng nhằm tăng cường triển khai thực hiện dịch vụ công mức độ 3, 4 trên địa bàn tỉnh” – ông Nguyễn Thanh Ngọc nhấn mạnh.
>>> Tây Ninh: GRDP 6 tháng đầu năm tăng hơn 4% so cùng kỳ
Nguồn : Diễn đàn doanh nghiệp
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: