Tây Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước trong năm 2023

337 lượt xem

Năm 2022, tỉnh Tây Ninh đã thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu kinh tế- xã hội (KT-XH) và HĐND tỉnh vừa ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển KT-XH năm 2023 với mục tiêu đạt mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của cả nước để góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Đài Thy (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Tây Ninh) xung quanh các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu HĐND tỉnh đề ra.

Phóng viên: Xin bà cho biết kết quả thực hiện các chỉ tiêu KT-XH năm 2022 theo Nghị quyết HĐND tỉnh đã ban hành?

Bà NGUYỄN ĐÀI THY: Năm 2022, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài, lạm phát gia tăng; giá cả hàng hoá, vật tư, nguyên liệu tăng cao, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xây dựng cơ bản và đời sống nhân dân… Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ, tin tưởng của Nhân dân, tỉnh đã thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH đã đề ra trong Nghị quyết của HĐND tỉnh.

Tây Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước trong năm 2023  ảnh 1
Đại lộ 30-4 mở rộng, nâng cấp mang lại diện mạo mới hiện đại

Lần đầu tiên trong nhiều năm, tỉnh đã thực hiện đạt và vượt 19/19 chỉ tiêu chủ yếu (gồm 9 chỉ tiêu kinh tế, 7 chỉ tiêu văn hóa – xã hội và 3 chỉ tiêu môi trường), trong đó, có những chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra như: Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước thực hiện 56.289 tỷ đồng, tăng 9,56% so với cùng kỳ (so với mức tăng trưởng của cả nước là 8%; kế hoạch năm 2022 của tỉnh: tăng 6,5%).

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giaotrong đó thu nội địa 10.235 tỷ đồng, tăng 17,4% so dự toán, tăng 15,1% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ (kế hoạch tăng 8%)trong đó, các mặt hàng có mức tăng cao: Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác (+413,5%); thức ăn gia súc và nguyên liệu (+62,1%); sản phẩm từ cao su (trừ săm, lốp các loại, +49,8%); túi xách, vali (+34,8%); phương tiện vận tải và phụ tùng (+22,8%).

Tây Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước trong năm 2023  ảnh 2
Đường Trần Phú (huyện Hòa Thành) mở rộng mở ra cơ hội phát triển du lịch, phục vụ giao thương, đi lại

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 96.938 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ (kế hoạch là tăng 8%). Công tác an sinh xã hội luôn được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện (tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 0,65%, kế hoạch là giảm 0,5-0,7%).

Nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT được tổ chức, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân như tổ chức thành công Đại hội TDTT tỉnh Tây Ninh lần thứ IX, năm 2022 và Hội thảo khoa học cấp tỉnh “Nhận diện Bản sắc văn hóa và truyền thống gia đình Tây Ninh”.

Các chủ trương, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; tai nạn giao thông giảm trên cả ba mặt; đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, tỷ lệ điều tra, phá án tăng cao.

Trong các chỉ tiêu đạt được, HĐND tỉnh đánh giá cao các kết quả nào?

Trong các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2022, Tây Ninh nổi bật với kết quả chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước hoàn thành trước thời gian quy định 2 tháng, với tổng thu ngân sách lần đầu tiên vượt ngưỡng 11.000 tỷ đồng, 9/9 huyện, thị xã, TP đạt và vượt chỉ tiêu trước thời hạn. Thương mại – dịch vụ khởi sắc, đặc biệt là ngành du lịch tăng trưởng ấn tượng, doanh thu du lịch đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng 130% so với cùng kỳ, tăng 200% về lượng khách du lịch – là một trong 5 điểm thu hút lượng khách du lịch lớn của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu đạt cao nhất từ trước đến nay (6,4 tỷ USD), vượt ngưỡng 5,5 tỷ USD.

Công tác giải ngân vốn đầu tư công được chỉ đạo quyết liệt, Tây Ninh được xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao (đạt 96%). Công tác quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng, tập trung nguồn lực đầu tư cho các công trình, dự án trọng điểm có tính lan tỏa, dẫn dắt phát triển KT-XH, góp phần làm thay đổi bộ mặt tỉnh nhà.

Trong năm 2023 và các năm tới, HĐND tỉnh Tây Ninh sẽ có các giải pháp gì để cụ thể hóa các mục tiêu được nêu ra tại Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng – an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030?

Trên cơ sở phân tích, đánh giá toàn diện kết quả KT-XH năm 2022, dự báo tình hình KT-XH năm 2023 và các năm tiếp theo, ngày 9-12-2022, tại kỳ họp cuối năm 2022, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thống nhất thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023 với mục tiêu thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh cao hơn mức bình quân chung của cả nước, tạo điều kiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm (2020-2025) của tỉnh.

Tây Ninh phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân cả nước trong năm 2023  ảnh 3
Đường Hồ Chí Minh (cầu vượt) qua Quốc lộ 22 đang chờ Trung ương bổ sung vốn trung hạn để thi công tiếp trong giai đoạn 2023-2025

HĐND tỉnh cũng đã thống nhất các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Thống nhất “lấy quy hoạch làm động lực, là cơ sở, nền tảng để quản lý phát triển nhanh, bền vững” trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, khẩn trương xây dựng, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát; đồng thời, tích cực tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế đặc thù để phát triển Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp – đô thị – thương mại – dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng – an ninh.

Phê duyệt, triển khai Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Tây Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; tập trung cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng bền vững; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế so sánh, tăng cường liên kết vùng; tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao, tăng hiệu suất sử dụng đất, giảm thâm hụt lao động…

Mời gọi đầu tư sơ cấp chiến lược vào Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo quy hoạch mới điều chỉnh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trình Chính phủ phân bổ bổ sung chỉ tiêu cơ cấu sử dụng đất phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội và Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài vào năm 2024. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giải ngân hết nguồn vốn được giao, nhất là vốn ODA; tăng cường công tác giám sát đầu tư công, đặc biệt là chất lượng các công trình, dự án; kiểm tra, xử lý các dự án chậm tiến độ.

Tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ triển khai: các dự án giao thông kết nối với vùng; các dự án điện năng lượng mặt trời Dầu Tiếng 5.1, 5.2; các dự án trong quy hoạch phát triển Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và vùng phụ cận; dự án khu đô thị Ninh Thạnh, TP Tây Ninh; các khu tái định cư phục vụ cho các dự án trọng điểm; các dự án phát triển chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Triển khai hiệu quả chương trình liên kết du lịch khu vực Đông Nam bộ và các địa phương trong cả nước, định hướng thu hút du khách quốc tế; chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch mới; có kế hoạch xây dựng hình ảnh, thương hiệu du lịch Tây Ninh; tiếp tục đầu tư nguồn lực xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân; phối hợp với Bộ NN-PTNT hoàn thành Đề án phát triển tổng thể đa mục tiêu hồ thủy lợi Dầu Tiếng giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nâng cao chất lượng, hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần của nhân dân; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh cải cách hành chính toàn diện, thực hiện lộ trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, cạnh tranh; bảo đảm quốc phòng – an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới, triển khai các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh, các ban của HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật ở địa phương và việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành, để các nhiệm vụ, giải pháp nhanh chóng được cụ thể hóa, đảm bảo tính kịp thời, đồng bộ, đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn : sggp.org.vn

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN