Tây Ninh dự kiến huy động 628.000 tỷ đồng vốn đầu tư, ưu tiên dự án hạ tầng

3,210 lượt xem

Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm, tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.

vốn đầu tư

Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Trảng Bàng, cửa ngõ vào tỉnh Tây Ninh từ Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tây Ninh ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đồng thời huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.

Đây là nội dung trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký quyết định ban hành ngày 26/6 tại Quyết định số 565/QĐ-TTg.

Kế hoạch được ban hành nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 1736/QĐ-TTg ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Việc xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra; xác định tiến độ và nguồn lực thực hiện các dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn

Theo Quyết định, về dự án đầu tư công, ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết Vùng, nội vùng gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài-Thành phố Hồ Chí Minh-Biên Hòa-Vũng Tàu; tăng cường kết nối hướng Đông-Tây với Bình Dương, Bình Phước, Long An; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng phát triển và bốn trục động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; hạ tầng y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng thông tin, truyền thông, chuyển đổi số để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Tỉnh tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Tỉnh thu hút đầu tư mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng phát triển và bốn trục động lực của tỉnh.

Công nhân làm việc trong xưởng sản xuất lốp ôtô tại Khu Công nghiệp Phước Đông, huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm: hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hệ thống cảng thủy nội địa, hạ tầng logistics; các dự án phát triển du lịch; các dự án phát triển năng lượng tái tạo; các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; các lĩnh vực hạ tầng thông tin và truyền thông, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; các dự án cấp, thoát nước, xử lý chất thải; hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, môi trường, đô thị, dân cư, thương mại, dịch vụ.

Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng

Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 9,5%/năm, tỉnh Tây Ninh dự kiến cần huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn khu vực nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 17% (tương đương 36.000 tỷ đồng), giai đoạn 2026-2030 là 12% (tương đương 49.000 tỷ đồng).

Nguồn vốn khu vực ngoài nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 51% (tương đương 107.000 tỷ đồng), giai đoạn 2026-2030 là 52% (tương đương 218.000 tỷ đồng).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2021-2025 là 32% (tương đương 67.000 tỷ đồng), giai đoạn 2026-2030 là 36% (tương đương 149.000 tỷ đồng).

Cửa khẩu Quốc tế Xa Mát là nơi giao thương hàng hóa giữa hai nước Việt Nam-Campuchia.

Quyết định nêu rõ các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm hướng dẫn Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh trong quá trình thực hiện Kế hoạch này; trường hợp cần thiết, phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh nghiên cứu, xây dựng hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh.

Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh chịu trách nhiệm về tính chính xác của các nội dung, thông tin, số liệu trong hồ sơ trình phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức phổ biến nội dung Quy hoạch và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tới các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn tỉnh biết, hiểu, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng Quy hoạch tỉnh, tạo nền tảng nhận thức thống nhất về tầm nhìn, mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh nghiên cứu xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh.

>>> Khám Phá Nhà Phố Mai Anh Luxury: Điểm Đến Lý Tưởng Tại Tây Ninh

Nguồn : Việt Nam plus

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN