Thời gian gần đây, tỉnh Tây Ninh có những bước phát triển ấn tượng về nhiều lĩnh vực. Trong đó, sự nổi trội của ngành du lịch cùng sự “vươn mình” của hạ tầng giao thông được đánh giá đã tạo nên đột phá.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng khách tham quan du lịch tại tỉnh đã đạt gần 3,5 triệu lượt, doanh thu đạt gần 1.450 tỉ đồng. Song song đó, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông quan trọng cũng đã và đang được tích cực xây dựng.
Phấn đấu kết nối giao thông tốt hơn
Để gặt hái được những “trái ngọt” như hiện nay là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân tỉnh Tây Ninh. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, tỉnh Tây Ninh cùng các địa phương xây dựng, hoàn thành các đề án kết nối giao thông tổng thể các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Theo báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh, sở này đã đầu tư hoàn thành nhiều dự án giao thông quan trọng như: đường Trung Hưng – Bàu Mây dài 3,1km, xây dựng cầu nối từ cuối tuyến Hương lộ 12 bắc qua kênh Đông nối liền với đường suối Bàu Tươi – Trảng Sa, đường Lộc Phước – Sông Lô. Tất cả tuyến đường này khi đưa vào sử dụng đã giúp Tây Ninh phát triển kinh tế, việc đi lại của người dân cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tấn Tài – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, Tây Ninh cùng với TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An tích cực phối hợp và nghiên cứu các phương án kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ nói chung và kết nối song phương các địa phương nói riêng.
Hiện nay, chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa Tây Ninh, TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, nhiều dự án kết nối vùng đang được triển khai.
Đặc biệt, TP.HCM và Tây Ninh đang khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý 3-2023, đặt mục tiêu hoàn thành trong năm 2027.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài khi hoàn thành, không những sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân tỉnh Tây Ninh, mà còn tạo thành trục hành lang Đông – Tây. Đồng thời, tạo cánh cửa mở cho tỉnh Tây Ninh đối với các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với cao tốc Bavet – Phnom Penh của Campuchia. Từ đó, thời gian đi lại được rút ngắn – thuận lợi về giao thương giữa Việt Nam – Campuchia.
Ông Tài nhận định rằng, việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển cho TP.HCM là một “cú hích” cho cả TP.HCM và Tây Ninh cùng các tỉnh lân cận về việc phát triển hạ tầng, kết nối giao thông liên vùng.
Ông Nguyễn Tấn Tài – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết: “Sự phát triển hạ tầng giao thông, kết nối liên vùng sẽ thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế, xã hội, du lịch… cùng nhau đi lên. Phát triển giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh giai đoạn nhiệm kỳ 2015-2020 và 2020-2025″
Còn đối với cao tốc Gò Dầu – Xa Mát cũng được đặt mục tiêu khởi công vào năm 2025 và hoàn thành, khai thác năm 2027. Tuyến đường Xuyên Á (Quốc lộ 22) sẽ được Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng các địa phương nghiên cứu phương án để hạn chế ùn tắt giao thông trên tuyến.
Ông Tài cho biết thêm, ngoài việc phát triển đường bộ, các tuyến đường thủy nội địa (ĐTNĐ) cũng được tỉnh Tây Ninh chú trọng đầu tư, cải tạo để khai thác hiệu quả hành lang vận tải thủy Tây Ninh – TP.HCM – Bà Rịa – Vũng Tàu (khu bến cảng Cái Mép – Thị Vải).
Vì vậy, Tây Ninh cùng các địa phương sẽ tập trung làm nhiều nội dung quan trọng. Đơn cử như, UBND TP.HCM sẽ nâng cao tĩnh không cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1 (sông Sài Gòn). Song song đó, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Bình Dương và Tây Ninh sẽ làm dự án cải tạo, nâng cấp luồng ĐTNĐ quốc gia sông Sài Gòn đạt tiêu chuẩn theo quy hoạch.
Ngoài ra, tỉnh Tây Ninh và TP.HCM vẫn luôn duy trì và nâng cao dịch vụ hoạt động vận tải hành khách các tuyến cố định và tuyến xe buýt đang khai thác. Điều này cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đồng thời, Tây Ninh còn tổ chức khai thác các tuyến xe buýt kết nối với TP.HCM. Trong đó, có thể nhắc đến là bến xe Tây Ninh – Bến xe Củ Chi, Bến xe Hòa Thành – Bến xe Củ Chi, Bến Thành – Lộc Hưng (Trảng Bàng) – Bố Heo…
Du lịch Tây Ninh đầy đột phá
Sự “vươn mình” của ngành du lịch đã thúc đẩy cơ cấu kinh tế tỉnh Tây Ninh, giúp tăng thu ngân sách, giải quyết được việc làm cho người lao động, phát triển đô thị,… Do đó, tỉnh Tây Ninh tập trung tìm ra nhiều giải pháp để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khu du lịch núi Bà Đen là trọng tâm đầu tư.
Trả lời Tuổi Trẻ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết theo kế hoạch đến năm 2025, khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực. Nơi đây sẽ là tâm điểm để kết nối, lan tỏa du lịch địa phương nói riêng và cả khu vực Đông Nam Bộ nói chung.
Trong giai đoạn 2021-2025, doanh thu du lịch sẽ đạt 9.000 tỉ đồng và khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt. Định hướng đến năm 2030, du lịch Tây Ninh sẽ đóng góp trên 10% GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn – PV). Tốc độ tăng trưởng doanh thu du lịch tăng bình quân hằng năm từ 25%/năm trở lên.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, du lịch Tây Ninh đã thực sự “đột phá” với hàng loạt lễ hội, sự kiện nổi bật như: Hội Xuân núi Bà Đen năm 2023, Lễ hội nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh lần thứ I/2023, Giải chạy marathon núi Bà Đen 2023… Lượng khách tham quan các điểm du lịch đạt gần 3,5 triệu lượt với tổng doanh thu đạt gần 1.450 tỉ đồng.
Đáng chú ý, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã lên kế hoạch với kinh phí 7 tỉ đồng nhằm quảng bá điểm đến du lịch Tây Ninh giai đoạn 2023-2025. Kế hoạch định hướng phát triển, kết nối đồng bộ loạt điểm đến hấp dẫn ở Tây Ninh bao gồm: Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh núi Bà Đen, Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, hồ Dầu Tiếng và di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam.
Hệ thống chatbot dành riêng cho du khách
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh sẽ tích hợp hàng loạt ứng dụng công nghệ số để quảng bá, đẩy mạnh công tác truyền thông. Đặc biệt là xây dựng hệ thống chatbot đưa ra gợi ý dành riêng cho du khách thông qua việc hỏi và phân tích câu trả lời về nhiều vấn đề như: điểm đến, gợi ý giá phòng khách sạn, đề xuất các hoạt động thú vị để trải nghiệm, hỗ trợ đổi vé máy bay…
Tây Ninh đã quyết tâm đặt mục tiêu doanh thu du lịch giai đoạn 2026-2030 sẽ đạt 35.000 tỉ đồng (gần gấp 4 lần so với mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025). Đồng thời, khách tham quan du lịch giai đoạn này cũng sẽ là 37 triệu lượt. Nhưng con số “ấn tượng” này sẽ được các sở, ngành và người dân tỉnh Tây Ninh quyết tâm thực hiện. Thậm chí, trong tương lai gần sẽ còn phát triển vượt bậc hơn nữa.
>>> Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm là nhiệm vụ quan trọng
Nguồn : Tuổi trẻ
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: