Quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Tây Ninh đến năm 2030

506 lượt xem

Quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm TP Tây Ninh, TX Hòa Thành, TX Trảng Bàng và 6 huyện :Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Tân Biên, Tân Châu.

Quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Tây Ninh

Định hướng phát triển vùng liên huyện

Tỉnh Tây Ninh có 3 vùng liên huyện theo tính chất phát triển kinh tế – xã hội như sau :

Vùng 1 – Vùng phía Nam

+ Phạm vi: Thị xã Trảng Bàng, huyện Gò Dầu, một phần phía Nam huyện Bến Cầu và phía Nam huyện Dương Minh Châu.

+ Tính chất: Là vùng động lực phía Nam của tỉnh, cửa ngõ kết nối Tây Ninh với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; là động lực quan trọng cho quá trình đô thị hóa của tỉnh.

+ Hướng phát triển trọng tâm:

Đẩy mạnh phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp hiện có; thành lập mới và mở rộng một số khu công nghiệp ở những nơi có điều kiện; gắn với phát triển mô hình đô thị dịch vụ – công nghiệp.

Tận dụng lợi thế hạ tầng kết nối, gấp rút hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ và đường thủy tạo tiền đề cho phát triển công nghiệp và đô thị; tăng cường năng lực và hiệu quả vận hành của hệ thống hạ tầng logistics gắn với cửa khẩu Mộc Bài, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ, tính toán kết nối với đường cao tốc.

Chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, sạch, an toàn; chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

Tận dụng lợi thế cảnh quan, nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cảnh quan sông nước và nông nghiệp, du lịch văn hóa làng nghề.

+ Hệ thống đô thị và nông thôn:

Trọng tâm phát triển đô thị của vùng 1 là tam giác đô thị Trảng Bàng – Phước Đông – Gò Dầu. Hướng tới năm 2030 Trảng Bàng là đô thị loại III, Gò Dầu là đô thị loại III, Bến Cầu là đô thị loại IV.

Vùng nông thôn phát triển sản xuất nông nghiệp, sản xuất làng nghề; hình thành vành đai sinh thái Đông – Tây kết nối sông Sài Gòn và sông Vàm Cỏ.

Vùng 2 – Vùng trung tâm

+ Phạm vi: Thành phố Tây Ninh, thị xã Hòa Thành, vùng phía Tây huyện Dương Minh Châu và một phần phía Đông huyện Châu Thành.

+ Tính chất: Là vùng động lực tại trung tâm của tỉnh Tây Ninh, là trung tâm hành chính, văn hóa, giáo dục, y tế, du lịch, lấy dịch vụ làm chủ đạo, trong đó thành phố Tây Ninh là khu vực lõi với chức năng là trung tâm tổng hợp, tỉnh lỵ của tỉnh.

+ Hướng phát triển trọng tâm:

Phát triển đa ngành, đa lĩnh vực; trọng tâm là phát triển triển các ngành kinh tế dịch vụ, kỹ thuật có giá trị gia tăng cao, phát triển hạ tầng và kinh tế đô thị.

Phát triển du lịch tâm linh kết hợp du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, gia tăng chất lượng dịch vụ, tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu du lịch Tây Ninh.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ và chế biến, các loại hình công nghiệp sạch, thân thiện môi trường tại các khu vực có điều kiện.

Phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ bền vững.

+ Định hướng hệ thống đô thị và nông thôn:

Vùng liên huyện trung tâm là khu vực đô thị trung tâm của tỉnh với hạt nhân là thành phố Tây Ninh và Thị xã Hòa Thành. Hướng tới năm 2030 Tây Ninh và Hòa thành là đô thị loại II, Châu Thành và Dương Minh Châu là đô thị loại IV.

Vùng nông thôn phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại khu vực ngoại thành, ngoại thị, bảo đảm chất lượng môi trường, tăng trưởng bền vững, sinh thái cho toàn vùng.

Vùng 3 – Vùng phía Bắc và phía Tây

+ Phạm vi: gồm huyện Tân Biên, huyện Tân Châu, phía Tây huyện Châu Thành và phía Bắc huyện Bến Cầu.

+ Tính chất: Là vùng sinh thái, có biên giới Việt Nam – Campuchia, đảm bào môi trường sinh thái và nguồn nước và quốc phòng an ninh, là vùng hậu cần quan trọng tạo động lực cho sự phát triển trong dài hạn của tỉnh.

+ Hướng phát triển trọng tâm:

Bảo tồn, phát huy rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa ở các khu vực Lò Gò – Xa Mát, rừng Hòa Hội, sông Vàm Cỏ.

Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi gia súc và đại gia súc; phát triển hệ thống kho tàng và logistics phục vụ công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm.

Hoàn thiện hệ thống các cầu qua sông Vàm Cỏ, từ đó thúc đẩy phát triển khu vực bờ Tây sông nhờ ảnh hưởng lan tỏa từ bờ Đông.

Phát triển kinh tế vùng biên giới theo hướng kết hợp đẩy mạnh du lịch cộng đồng để nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh quốc phòng.

+ Hệ thống đô thị và nông thôn:

Hệ thống đô thị của vùng 3 nằm dọc theo QL 22B và QL 22C với các đô thị quy mô nhỏ. Hướng tới năm 2030 Tân Biên và Tân Châu là đô thị loại V.

Vùng nông thôn phát triển cơ sở hạ tầng dịch vụ đảm bảo an sinh xã hội, hoàn thiện hạ tầng giao thông.

Trong 3 vùng chính kể trên có 02 cực tăng trường như sau:

– Cực tăng trưởng 1: Cụm đô thị TP. Tây Ninh – TX. Hòa Thành: Là cực tăng trưởng của tiểu vùng Bắc – Tây Bắc TPHCM, là trung tâm chính trị, kinh tế, thương mại dịch vụ, du lịch, giáo dục đào tạo, văn hóa, tôn giáo và trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh là trung tâm cấp vùng về thương mại – dịch vụ, du lịch văn hóa, lịch sử phía Tây Bắc của của vùng TPHCM và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cực tăng trưởng 1: Cụm đô thị TP. Tây Ninh – TX. Hòa Thành
Cực tăng trưởng 1: Cụm đô thị TP. Tây Ninh – TX. Hòa Thành

– Cực tăng trưởng 2: Cụm đô thị TX. Trảng Bàng – H. Gò Dầu: Là cực tăng trưởng trọng điểm phía Tây Bắc của vùng TP.HCM, là đầu mối giao thương quan trọng trên tuyến hành lang Xuyên Á; trung tâm công nghiệp, thương mại – dịch vụ cấp vùng, trung tâm giáo dục – đào tạo cấp quốc gia. À cụm đô thị công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ thương mại, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch văn hóa lịch sử – cảnh quan sinh thái của tỉnh; là khu vực cửa ngõ kết nối với TPHCM; là một cực tăng trưởng lớn, đầu mối giao thông, thương mại quốc tế ở vùng phía Nam của tỉnh Tây Ninh.

Cực tăng trưởng 2: Cụm đô thị TX. Trảng Bàng – H. Gò Dầu
Cực tăng trưởng 2: Cụm đô thị TX. Trảng Bàng – H. Gò Dầu

Định hướng phát triển hạ tầng giao thông

– Vùng 1:

Kết nối với mạng lưới đường bộ nội tỉnh và liên vùng thông qua các tuyến đường bộ gồm cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, QL 22 đi về phía Nam; cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, QL 22B, QL 56B, QL 14C và QL 22C đi về phía Bắc và cao tốc Bắc-Nam phía Tây đi Tây Nguyên và các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long.

Các tuyến đường tỉnh nâng cấp và quy hoạch mở mới theo hướng Bắc-Nam gồm: ĐT.782, ĐT.782B, ĐT.787, ĐT.787B, ĐT.789, ĐT.790C, các tuyến đường tỉnh theo hướng Đông-Tây gồm: ĐT.782C, ĐT.782D, ĐT.787C, ĐT.789, ĐT.789B (đường Đất Sét – Bến Củi) kết nối các khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm logistics trên địa bàn.

Quy hoạch mở mới 5 cầu vượt sông Vàm Cỏ Đông và 3 cầu vượt sông Sài Gòn tăng cường kết nối nội tỉnh và liên tỉnh với Bình Dương. Quy hoạch tuyến đường sắt TP.HCM – Mộc Bài và đường sắt nhẹ Gò Dầu – TP. Tây Ninh phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách với các khu vực trong tỉnh và liên vùng.

Khu vực phía Nam quy hoạch 3 trung tâm logistics tại Mộc Bài quy mô 150ha, Thạnh Phước quy mô 20ha và Hưng Thuận. Ngoài ra, quy hoạch các đầu mối giao thông hành khách gồm các bến xe Gò Dầu, bến xe TX Trảng Bàng và bến xe Mộc Bài đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4 trở lên.

Vùng 2:

Là đầu mối giao thông của tỉnh, quy hoạch hệ thống đường bộ gồm: nâng cấp các tuyến đường hiện hữu và mở mới nhằm tăng cường kết nối giao thông liên vùng gồm cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, QL 22B, QL 56B, và QL 22C.

Các tuyến đường tỉnh nâng cấp và quy hoạch mở mới theo hướng Bắc-Nam gồm: ĐT.786, ĐT.786B, ĐT.786D, ĐT.786E, ĐT.796C, ĐT.781C và ĐT.790C, các tuyến đường tỉnh theo hướng Đông-Tây gồm: ĐT.781, ĐT.790, ĐT.785 kết nối với các tuyến đường bộ quốc gia, các khu đô thị, khu công nghiệp trên địa bàn.

Tuyến đường sắt nhẹ TP. Tây Ninh Gò Dầu kết nối với vùng phía Nam, vị trí nhà ga đường sắt trung tâm và sân bay Tây Ninh được định hướng bố trí tại phía Đông, gần nút giao đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và ĐT.781.

Bến xe trung tâm TP Tây Ninh dự kiến đặt tại ngã ba Mít Một – phường Hiệp Tân với quy mô bến xe loại 1, và các bến xe khu vực phía Đông huyện Châu Thành gồm bến xe Châu Thành và bến xe Đồng Phước, bến xe Dương Minh Châu quy hoạch đạt tiêu chuẩn bến loại 6 và loại 4.

Vùng 3:

Các tuyến đường bộ quốc gia tăng cường kết nối vùng gồm cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, QL 22B nằm tại khu vực trung tâm kết nối với phía Nam, QL 22C nằm về phía Đông và QL 14C nằm về phía Tây và phía Bắc.

Các tuyến đường tỉnh được nâng cấp và mở mới theo hướng Bắc-Nam gồm: ĐT.786, ĐT.796C, ĐT.788B, ĐT.793, ĐT.795B, ĐT.792B, các tuyến đường tỉnh theo hướng Đông-Tây gồm: ĐT.788, ĐT.790B, ĐT, 781B, ĐT.795D, ĐT.783, ĐT. 797, ĐT. 792.

Trung tâm logistics Xa Mát quy hoạch quy mô 100ha tại khu vực cửa khẩu Xa Mát.

Các đầu mối giao thông hành khách quy hoạch gồm bến xe khách tại huyện Tân Biên gồm Bến xe Tân Biên đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4, bến xe Hoà Hiệp, xã Hoà Hiệp, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6; Bến xe tại huyện Tân Châu gồm Bến xe Tân Hà, bến xe Huệ Nghĩa đạt tiêu chuẩn bến xe loại 3, bến xe Tân Hoà, tiêu chuẩn bến xe loại 6.

Quy hoạch vùng huyện tỉnh Tây Ninh

Thành phố Tây Ninh

Phạm vi, tính chất và hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của Thành phố Tây Ninh, gồm 07 phường (phường 1, 2, 3, 4, Hiệp Ninh, Ninh Sơn, Ninh Thạnh) và 03 xã (Bình Minh, Tân Bình, Thạnh Tân), tổng diện tích 139.92km2, tiếp giáp với các huyện/thị xã như sau: Phía Bắc giáp huyện Tân Biên và Tân Châu, Phía Nam giáp Thị xã Hòa Thành, Phía Đông giáp huyện Dương Minh Châu, và Phía Tây giáp huyện Châu Thành.

– Tính chất: Thành phố Tây Ninh là trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Tây Ninh; có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ. Đô thị phát triển theo hướng xanh – thông minh – văn minh – đáng sống với thương mại, dịch vụ, du lịch làm trọng tâm; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, đảm bảo tính kết nối. Môi trường tự nhiên và cấu trúc sinh thái được bảo vệ.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Du lịch: Phát triển du lịch theo hướng hình thành các khu vui chơi giải trí, nghĩ dưỡng, sinh thái, tâm linh trọng điểm của vùng Đông Nam Bộ. Đẩy mạnh khai thác dịch vụ du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, giúp đem lại nguồn thu lớn về lưu trú, lữ hành cho tỉnh.

Đẩy mạnh thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu du lịch có quy mô; phát huy tiềm năng du lịch văn hóa lịch sử với 3 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh đặc biệt là quần thể di tích lịch sử Núi Bà Đen.

Tạo ra thêm các cảnh quan nhân tạo bên cạnh các cảnh quan tự nhiên để thu hút du khách đến tham quan và quảng bá hình ảnh Tây Ninh. Nghiên cứu phát triển các hoạt động giải trí ban đêm hấp dẫn nhằm giữ chân khách lưu trú.

+ Thương mại: Phát triển mạnh về thương mại, thu hút nhà đầu tư xây dựng các tuyến phố thương mại nhà ở. Quy hoạch và thu hút đầu tư các siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị; chợ tại vùng nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng, đa dạng hình thức bán buôn, bán lẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong chi tiêu, mua sắm. Đẩy mạnh kinh tế ban đêm, chú trọng phát triển các khu thương mại ban đêm về ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí.

+ Dịch vụ: Tập trung vào các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: thông tin truyền thông, bất động sản, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, dịch vụ công… là động lực chính cho phát triển dịch vụ của tỉnh, nhằm hỗ trợ tối đa cho các hoạt động kinh tế; hướng tới xây dựng thành phố theo hướng đô thị thông minh, hiện đại

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Lập đề án công nhận thành phố Tây Ninh đạt đô thị loại II.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Đầu tư phát triển theo hướng nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế xã hội, hạ tầng kỹ thuật hướng đến đô thị loại I.

Hạ tầng giao thông

Định hướng là đầu mối giao thông vận tải của tỉnh, đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nội thị, tăng cường kết nối liên huyện thị trong tỉnh và vùng Đông Nam Bộ thông qua đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát kết nối với vùng đô thị công nghiệp phía Nam và khu vực phía Bắc, quy mô 4 làn xe;

Quốc lộ 56B nâng cấp từ ĐT.781 phía Tây, ĐT.784 phía Đông đóng vai trò là tuyến vành đai phía Bắc và phía Đông, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2-4 làn xe;

Nâng cấp Quốc lộ 22B quy mô quy hoạch tối thiểu cấp II-III, 2-4 làn xe;

Nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh gồm ĐT790, ĐT.781, ĐT.785, quy hoạch đạt tiêu chuẩn cấp III-IV, 2-4 làn xe.

Ga đường sắt trung tâm định hướng bố trí tại phía Đông, gần nút giao đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và Đt.781.

Bến xe TP Tây Ninh dự kiến đặt tại ngã ba Mít Một – phường Hiệp Tân với quy mô bến xe loại 1, đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trước năm 2025.

Thị xã Hòa Thành

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TX Hòa Thành, gồm phường Long Hoa và 07 xã: Hiệp Tân, Long Thành Bắc, Long Thành Trung, Long Thành Nam, Trường Đông, Trường Hòa, Trường Tây, vói tổng diện tích 82,75 km2, có vị trí địa lý liên kết với các huyện lân cận như sau: Phía Bắc giáp TP Tây Ninh, Phía Đông giáp huyện Dương Minh Châu, phía Nam giáp huyện Gò Dầu, và phía Đông giáp huyện Châu Thành.

– Tính chất: Là trung tâm dịch vụ – thương mại – du lịch bên cạnh TP Tây Ninh, tạo thành cụm đô thị trung tâm hành chính, dịch vụ, thương mại thúc đẩy sự phát triển của toàn tỉnh. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ, theo hướng đô thị gắn với thành phố Tây Ninh.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Du lịch: Phát triển du lịch theo hướng đẩy mạnh khai thác dịch vụ du lịch văn hóa văn hóa và tâm linh, kết nối các điểm du lịch trên địa bàn Thị xã Hòa Thành với TP Tây Ninh tạo thành cụm du lịch; kết hợp phát triển các dịch vụ lưu trú, ăn uống, lữ hành nhằm giữ chân du khách lưu trú qua đó gia tăng nguồn thu từ du lịch. Phát triển các mô hình du lịch mang đặc trưng văn hóa nổi bật nhằm xây dựng thương hiệu.

+ Thương mại, dịch vụ: Phát triển thương mại – dịch vụ trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế và là ngành tạo ra đột phá trong phát triển, tập trung vào các sản phẩm dịch vụ có giá trị gia tăng cao, khai thác được tiềm năng, lợi thế về phát triển lan tỏa từ Thành phố Tây Ninh và trục đô thị hóa Bắc – Nam của tỉnh.

Đầu tư phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thống nhất với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; thu hút nhà đầu tư xây dựng trung tâm thương mại, khu dịch vụ du lịch.

Tập trung phát triển các loại hình dịch vụ như tài chính, ngân hàng,… Xây dựng và phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ hiện đại, chất lượng cao.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Lập đề án án công nhận TX. Hòa Thành đạt đô thị loại III.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Lập đề án mở rộng địa giới hành chính, công nhận thị xã Hòa Thành đạt đô thị loại II, sau khi nâng loại lập đề án công nhận thành phố.

Hạ tầng giao thông

Tăng cường kết nối với Huyện Gò Dầu, TP Tây Ninh, Huyện Châu Thành và các khu vực khác trong tỉnh thông qua các tuyến đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030, nâng cấp Quốc lộ 22 quy mô quy hoạch cấp I-II, 4-6 làn xe, đoạn đi qua thị xã là đoạn hiện hữu, hỗ trợ kết nối thị xã với huyện Châu Thành và Huyện Gò Dầu, ĐT 796C, ĐT.786D kết nối với huyện Châu Thành và huyện Dương Minh Châu;

ĐT.786B quy hoạch tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV, kết nối với huyện Gò Dầu tới Cao tốc Gò Dầu – Xa Mát và Sân bay;

ĐT.786D tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV, lộ giới 45m kết nối với huyện Châu Thành.

Nâng cấp cải tạo các cảng sông hiện hữu gồm cảng Bến Kéo, cảng xăng dầu LPG, Xi măng Fico phục vụ vận tải hàng hóa bằng đường sông.

Bến xe TX Hòa Thành dự kiến sẽ điều chuyển hoạt động của Bến xe Hòa Thành hiện tại về hoạt động tại bến xe của Tỉnh sau khi bến xe này đi vào hoạt động.

Thị xã Trảng Bàng

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi: quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của TX Trảng Bàng gồm 10 đơn vị hành chính cấp xã, cụ thể: 06 phường bao gồm An Hòa, An Tịnh, Gia Bình, Gia Lộc, Lộc Hưng, Trảng Bàng và 04 xã: Đôn Thuận, Hưng Thuận, Phước Bình, Phước Chỉ, với tổng diện tích 340,14 km2, tiếp giáp với các huyện, thị xã/tỉnh lân cận như sau: Phía Bắc giáp huyện Gò Dầu, Bến Cầu và Dương Minh Châu, Phía Đông giáp tỉnh Bình Dương, phía Nam giáp TP HCM và Long An và phía Tây giáp Campuchia.

– Tính chất: Là trung tâm công nghiệp tập trung đa ngành và dịch vụ logistics của tỉnh; là hạt nhân phát triển kinh tế – xã hội, trung tâm động lực của vùng liên huyện phía Nam tỉnh Tây Ninh; là cửa ngõ kết nối với các tỉnh thành như Long An, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh; là đầu mối giao thông quan trọng trên tuyến hành lang Xuyên Á đi qua các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất quan trọng.

Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, chế tạo; logistics; thương mại, dịch vụ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch văn hóa làng nghề, du lịch sinh thái.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Công nghiệp: Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng công nghiệp ở mức cao, theo hướng bền vững; thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm ít thâm dụng lao động, tạo giá trị gia tăng cao, tận dụng được ưu thế của tỉnh về năng lượng, nguồn nước và hạ tầng kết nối; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hiện đang là thế mạnh như công nghiệp dệt, chế biến cao su; đồng thời thu hút các ngành mới ứng dụng công nghệ cao và có trình độ sản xuất tiên tiến, tận dụng tiềm năng phát triển công nghiệp lan tỏa từ các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

+ Dịch vụ logistics: Đầu tư phát triển mạnh dịch vụ logistics, hoàn thiện hạ tầng đồng thời chú trọng tăng cường năng lực vận hành cảng cạn ICD và trung tâm logistics tại xã Hưng Thuận và Đôn Thuận; tăng cường kết nối giao thông đường thủy – đường bộ; nghiên cứu phương án tổ chức và quản lý các cảng sông đáp ứng các quy chuẩn hiện hành.

+ Thương mại, dịch vụ: Phát triển thương mại – dịch vụ trở thành ngành chiếm tỷ trọng cao, khai thác được lợi thế vị trí cửa ngõ trong tỉnh Tây Ninh; đưa huyện trở thành trung tâm giao thương, đầu mối giao thông lớn của tỉnh và vùng, là đầu mối trung chuyển hàng hóa quan trọng. Phát triển hệ thống chợ, trung tâm thương mại dịch vụ hỗn hợp cấp huyện.

+ Du lịch: Tận dụng lợi thế cảnh quan và văn hóa lịch sử, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với cảnh quan sông nước dọc sông Vàm Cỏ Đông, cảnh quan nông nghiệp, du lịch văn hóa làng nghề (làng nghề bánh tráng, muối tôm ớt, nghề rèn). Nghiên cứu phát triển bất động sản ven sông Sài Gòn.

+ Nông nghiệp: Hỗ trợ người dân phát triển vườn cây ăn trái, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, sạch, an toàn; chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông sản.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Lập đề án công nhận thị xã Trảng Bàng đạt đô thị loại III.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Trảng Bàng là đô thị loại III, tiếp tục phát triển hạ tầng đạt chuẩn đô thị loại II.

Hạ tầng giao thông

Gia tăng kết nối với TP.HCM, Long An, Bình Dương và các huyện khác trong tỉnh như Gò Dầu, Bến Cầu thông qua cao tốc Bắc-Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh) quy mô 6 làn xe; cao Tốc TPHCM – Mộc Bài quy mô 6 làn xe; nâng cấp quốc lộ 22 quy mô quy hoạch cấp I-II, 4-6 làn xe; Quốc lộ 14C quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III-IV, 2-4 làn xe và đường tuần tra biên giới, tăng cường kết nối tới các cửa khẩu.

Các tuyến đường tỉnh nâng cấp, mở mới gồm: ĐT.787 tiêu chuẩn tối thiểu IV kết nối với cửa khẩu phụ Đồi Thơ; nâng cấp ĐT 787B kết nối phát triển KCN và Trung tâm Logistics Hưng Thuận; ĐT.787C tuyến đường vành đai vận tải hàng hóa tiêu chuẩn tối thiểu cấp III, chức năng kết nối các khu công nghiệp của thị xã, ĐT.787D kết nối Long An và KKT cửa khẩu Mộc Bài; mở mới ĐT.782D tối thiểu cấp III phục vụ nối từ đường Hồ Chí Minh và khu vực phía Đông.

Hệ thống cảng, trung tâm logistics phục vụ vận chuyển, phân phối hàng hóa các KCN gồm ICD Hưng Thuận, cảng Phước Đông, cảng Thành Thành Công.

Ga đường sắt Trảng Bàng dự kiến bố trí tại khu vực nút giao đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài và ĐT.787B, bến xe TX Trảng Bàng tiêu chuẩn tối thiểu loại 4, vị trí dự kiến tại khu vực nút giao giữa đường QL22 với đường tỉnh 782, đầu tư sau 2030.

Huyện Gò Dầu

– Phạm vi: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Gò Dầu gồm thị trấn Gò Dầu và 08 xã Phước Đông, Bàu Đồn, Phước Thạnh, Thanh Phước, Hiệp Thạnh, Phước Trạch, Thạnh Đức, Cẩm Giang, với tổng diện tích là 260 km2, tiếp giáp với các huyện, thị xã lân cận như sau: phía Bắc giáp Thị xã Hòa Thành, phía Đông giáp huyện Dương Minh Châu, phía Nam giáp Thị xã Trảng Bàng và phía Tây giáp với huyện Bến Cầu.

– Tính chất: Là huyện phát triển đa ngành thuộc vùng công nghiệp trọng điểm phía Nam của Tây Ninh; có vai trò thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế – xã hội đồng thời là động lực đô thị hóa quan trọng của toàn tỉnh; là trung tâm tăng trưởng công nghiệp và dân cư của tỉnh trong dài hạn.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Công nghiệp: Lấy phát triển công nghiệp làm trọng tâm trong dài hạn, theo hướng bền vững, thu hút đầu tư các ngành, sản phẩm ít thâm dụng lao động.

Trước mắt ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hiện đang là thế mạnh như công nghiệp dệt, chế biến cao su; trong dài hạn đẩy mạnh thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao giúp thúc đẩy chuyển dịch mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu như chế biến thực phẩm và cơ khí phục vụ nông nghiệp, từ đó giúp định vị vị thế của ngành công nghiệp toàn tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị – Dịch vụ Phước Đông – Bời Lời sau khi hoàn thiện giai đoạn 3 sẽ là điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

+ Du lịch: Khai thác hiệu quả tuyến du lịch dọc sông Vàm Cỏ Đông, liên kết dọc tuyến du lịch với các huyện như Bến Cầu, Châu Thành để phát triển du lịch sinh thái. Thúc đẩy phát triển du lịch kết hợp trải nghiệm nông nghiệp vườn cây ăn trái. Phát triển hình thức bất động sản ven sông, bao gồm bất động sản nhà ở và bất động sản nghỉ dưỡng.

+ Thương mại, dịch vụ: Phát triển dịch vụ bán buôn, bán lẻ, trên cơ sở huy động các nguồn lực xã hội đầu tư vào hạ tầng thương mại, phát triển kinh tế đêm tại các khu dân cư gắn với các khu đô thị, khu công nghiệp trong huyện.

Thu hút nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở đô thị kết hợp thương mại, các khu bất động sản ven sông. Sớm triển khai và hoàn tất dự án “Hạ tầng đô thị thích ứng biến đổi khí hậu thị trấn Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh”, trở thành tiền đề tạo động lực phát triển dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông.

+ Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp theo hướng áp dụng công nghệ cao, mang lại sản lượng cao, giá trị gia tăng cao; nông sản đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGap, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ; chú trọng các giống lúa chất lượng cao như ST25; đầu tư xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi trên cả nước với các loại cây ăn trái như sầu riêng, thanh long, bưởi, dứa, mít, dưa leo. Kết hợp phát triển hoạt động du lịch trải nghiệm nông nghiệp tại các khu vực có tiếp cận giao thông thuận lợi.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Lập đề án công nhận Gò Dầu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đề xuất thành lập thị xã sau phân loại đô thị mới phạm vi toàn huyện.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Lập đề án công nhận Gò Dầu đạt tiêu chuẩn đô thị loại III, tiếp tục phát triển hạ tầng đạt chuẩn loại II.

Hạ tầng giao thông

Vai trò là đầu mối giao thông khu vực vùng đô thị công nghiệp phía Nam kết nối liên vùng thông qua đường Cao tốc Bắc-Nam phía Tây (đường Hồ Chí Minh) quy mô 6 làn xe, đường cao Tốc TPHCM – Mộc Bài quy mô 6 làn xe, cao tốc Gò Dầu – Xa Mát quy mô 4 làn xe.

Các tuyến quốc lộ nâng cấp và mở mới gồm Quốc lộ 22: quy mô quy hoạch cấp I-II, 4-6 làn xe; Quốc lộ 56B đi theo đường ĐT.784 quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2-4 làn xe. Hệ thống đường tỉnh ĐT.782B tăng cường kết nối với huyện Dương Minh Châu và huyện Bến Cầu; ĐT.782C quy hoạch tiêu chuẩn tối thiểu cấp III, là tuyến đường dự kiến mở mới, chức năng kết nối cảng Thanh Phước với IDC Hưng Thuận và KCN Phước Đông – Bời Lời.

Ga Gò Dầu quy hoạch tại vị trí gần nút giao cao tốc TPHCM-Mộc Bài và ĐT.782C, kết nối tuyến đường sắt TP.HCM – Trảng Bàng và tuyến đường sắt nhẹ Gò Dầu – Tây Ninh.

Quy hoạch hệ thống cảng và trung tâm logistics bao gồm trung tâm logistics quy mô 20ha, cảng Thạnh Đức, cảng Bến Đình,…

Bến xe Huyện Gò Dầu tiêu chuẩn tối thiểu loại 4 tại xã Thanh Phước tiếp giáp Quốc lộ 22, đầu tư trước 2030. Trung tâm Logistics Thạnh Phước quy hoạch tại vị trí cảng Thanh Phước là trung tâm Logistics hạng II. Quy mô 20 ha.

Huyện Dương Minh Châu

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Dương Minh Châu gồm thị trấn Dương Minh Châu và 10 xã bao gồm: Suối Đá, Xã Phan, Phước Ninh, Phước Minh, Bàu Năng, Chà Là, Cầu Khởi, Bến Củi, Lộc Ninh, Truông Mí, với tổng diện tích 435,2 km2; tiếp giáp với các huyện, thị xã lân cận như sau: phía Bắc giáp với TP Tây Ninh, phía Đông giáp với tỉnh Bình Dương, phía Tây giáp Thị xã Hòa Thành và huyện Gò Dầu, phía Nam giáp TX Trảng Bàng.

– Tính chất: Là vùng sinh thái phụ cận của thành phố Tây Ninh; là vùng đệm cho trục tăng trưởng kinh tế Bắc – Nam của tỉnh; có vai trò giảm tải các áp lực về đô thị, môi trường; gìn giữ các không gian xanh, các quỹ đất dự trữ. Là vùng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái gắn với hồ Dầu Tiếng.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Nông nghiệp: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến tại khu vực phía Bắc của huyện; tận dụng vùng nguyên liệu mì, mía đường, đặc biệt là khoai mì để đẩy mạnh CN chế biến sau tinh bột.

+ Công nghiệp: Khu vực phía Nam của huyện được quy hoạch các KCN mới Bến Củi, Thạnh Đức sẽ kết nối lan tỏa với cực tăng trưởng công nghiệp Trảng Bàng – Gò Dầu; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp ít thâm dụng lao động và ứng dụng công nghệ tiên tiến. Duy trì hoạt động tiểu thủ công nghiệp và làng nghề hiện có, khuyến khích áp dụng máy móc, công nghệ mới trong sản xuất.

+ Thương mại, dịch vụ, du lịch: Phát triển tại khu vực phía Tây của huyện, đẩy mạnh kết nối từ các điểm du lịch lân cận như Núi Bà Đen, tòa thánh Tây Ninh tới các điểm du lịch của huyện như du lịch sinh thái ở đảo Nhím, hồ Dầu Tiếng, du lịch cộng đồng tham quan vườn cây ăn trái (mãng cầu, nhãn), các lễ hội ở địa phương; từ đó tạo tuyến du lịch Đông – Tây, hình thành các tour du lịch hấp dẫn để giữ chân khách.

Nâng cao chất lượng chợ đầu mối nông sản K13 (xã Bàu Năng) tạo điểm nhấn cho khách đến tham quan và mua sắm.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Củng cố hạ tầng và chỉnh trang đô thị Dương Minh Châu, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ và cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Lập đề án công nhận Dương Minh Châu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đề xuất thành lập thị xã sau phân loại đô thị mới phạm vi toàn huyện.

Hạ tầng giao thông

Phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, tăng cường kết nối với huyện Gò Dầu, TP Tây Ninh, TX Hòa Thành và khu vực bao gồm: Quốc lộ 56B đi theo ĐT.784 là tuyến vành đai phía Tây, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2-4 làn xe; Quốc lộ 22C nâng cấp từ ĐT.781, ĐT.781B kết nối với với Bình Dương đi các huyện phía Bắc;

ĐT.781C, ĐT.782B xây dựng mới, chức năng kết nối với Huyện Tân Châu, núi Bà Đen và hành lang sinh thái phía Đông đi về phía Nam; nâng cấp ĐT.784B tăng cường kết nối giữa các tuyến Quốc lộ 56B và Quốc lộ 22C; ĐT.789B lộ giới 63m kết nối với đường Cao Tốc Gò Dầu – Xa Mát, QL22C và các tỉnh phía Đông.

Ngoài ra, quy hoạch đường ĐT.790C quy hoạch tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp III – cấp IV kết nối đi TX Trảng Bàng, KCN Hưng Thuận. Phát triển hệ thống đường thủy sông Sài Gòn, quy hoạch các cảng Dương Minh Châu 1, 2 tại khu vực xã Bến Củi phục vụ vận chuyển hàng hóa cho KCN Bến Củi và Phước Đông – Bời Lời.

Bến xe Dương Minh Châu quy hoạch tại khu vực ngã ba KheDol – Suối Đá, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4 trở lên, đầu tư trước năm 2030.

Huyện Tân Biên

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Tân Biên gồm thị trấn Tân Biên, và 9 xã gồm: Tân Lập, Thạnh Bắc, Tân Bình, Thạnh Bình, Thạnh Tây, Hòa Hiệp, Tân Phong, Mỏ Công, Trà Vong, với tổng diện tích 860,95 km2; tiếp giáp với các huyện, thị xã lân cận như sau: phía Bắc và phía Tây tiếp giáp với Campuchia, phía Đông tiếp giáp với huyện Tân Châu, phía Nam tiếp giáp với huyện Châu Thành và TP Tây Ninh.

– Tính chất: Là huyện biên giới có chức năng chủ yếu là phát triển nông – lâm nghiệp quy mô lớn; bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị vườn quốc gia và di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch văn hóa lịch sử và du lịch sinh thái cộng đồng; là cửa ngõ quan trọng kết nối với Campuchia; đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh quốc phòng.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Nông nghiệp: Phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến như khoai mì, mía đường. Phát triển các loại cây ăn quả là thế mạnh của huyện như cam, sầu riêng, mít; xây dựng thương hiệu nông sản chất lượng cao hướng đến tầng lớp trung lưu, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGap, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Phát triển hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn ở các xã như Hòa Hiệp, Thạnh Bình, Tân Lập, Thạnh Bắc; tận dụng lợi thế về nguồn nước để hình thành nhà máy chế biến sản phẩm thịt sạch.

+ Du lịch: Hình thành tuyến du lịch dọc theo đường tuần tra biên giới giúp thúc đẩy kinh tế vùng biên; phát triển du lịch về nguồn tại Khu căn cứ cách mạng miền Nam – Trung ương cục miền Nam và du lịch sinh thái rừng quốc gia Lò Gò – Xa Mát.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

Củng cố hạ tầng và chỉnh trang đô thị Tân Biên; tập trung phát triển hạ tầng khu vực nông thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Hạ tầng giao thông

Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nội thị, tăng cường kết nối với TP. Tây Ninh và các đô thị khác trong tỉnh và vùng Đông Nam bộ thông qua các tuyến đường gồm: cao tốc Gò Dầu – Xa Mát quy mô 4 làn xe tăng cường kết nối với các huyện khu vực phía Nam;

Nâng cấp Quốc lộ 22B quy mô quy hoạch tối thiểu cấp II-III, 2-4 làn xe; nâng cấp ĐT.791, ĐT.788 thành Quốc lộ 14C kết hợp với đường tuần tra biên giới kết nối các khu vực cửa khẩu. Nâng cấp ĐT.781B, ĐT788B, ĐT795C kết nối hoàn chỉnh với khu vực phía Đông và phía Tây và các tuyến cao tốc, Quốc lộ.

Đầu tư nâng cấp xây dựng bến xe khách Tân Biên đạt tiêu chuẩn bến xe loại 4, định hướng nâng lên cấp 3 khi nhu cầu đi lại tăng cao, quy hoạch bến xe Hoà Hiệp, xã Hoà Hiệp, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6.

Huyện Tân Châu

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Tân Châu gồm thị trấn Tân Châu và 11 xã bao gồm: Tân Hà, Tân Đông, Tân Hội, Tân Hòa, Suối Ngô, Suối Dây, Tân Hiệp, Thạnh Đông, Tân Thành, Tân Phú, Tân Hưng, tổng diện 1.206,89km2; tiếp giáp với các huyện, thị xã/tỉnh lân cận như sau: phía Bắc giáp Campuchia, phía Đông giáp tỉnh Bình Phước, phía Nam giáp với huyện Dương Minh Châu và phía Tây giáp huyện Tân Biên.

– Tính chất: Là huyện biên giới có chức năng chủ yếu là phát triển nông – lâm nghiệp quy mô lớn, phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ sinh thái và nguồn nước cho hồ Dầu Tiếng, phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, là cửa ngõ kết nối với Campuchia.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Nông nghiệp: Tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên và đất đai, phát triển vùng nguyên liệu quy mô lớn phục vụ cho công nghiệp chế biến như khoai mì, mía đường; phát triển hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

+ Công nghiệp: Phát triển công nghiệp chế biến thực phẩm tận dụng lợi thế tại chỗ về năng lượng và nguồn nước, giúp tăng giá trị sản phẩm nông sản, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

+ Du lịch: Phát triển dịch vụ du lịch sinh thái ở vùng hồ chứa nước Tha La và các khu vực có cảnh quan hấp dẫn.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

Củng cố hạ tầng và chỉnh trang đô thị Tân Châu; tập trung phát triển hạ tầng khu vực nông thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Hạ tầng giao thông

Quy hoạch hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, gia tăng kết nối với các khu vực huyện thị nội tỉnh và liên tỉnh bao gồm nâng cấp ĐT.785 thành Quốc lộ 22C kết nối với khu vực phía Nam, đi Bình Dương, nâng cấp ĐT.794 thành Quốc lộ 14C kết nối các khu vực cửa khẩu phía Tây và tỉnh Bình Phước.

Nâng cấp các tuyến đường tỉnh hiện hữu và mở mới các tuyến đường khu vực phía Bắc, phía Tây kết nối với các khu vực cửa khẩu và huyện Tân Biên gồm ĐT.785E, ĐT.795B, ĐT.797, ĐT.795D, ĐT.795C đạt tiêu chuẩn cấp III, cấp IV.

Bến xe tại huyện Tân Châu quy hoạch duy trì hoạt động 02 bến xe khách gồm Bến xe Tân Hà tại ấp Tân Trung, xã Tân Hà, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 3, bến xe Huệ Nghĩa tại ấp Thạnh Hiệp, xã Thạnh Đông, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 3. Quy hoạch bến xe Tân Hoà, xã Tân Hà, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6.

Huyện Châu Thành

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm 

– Phạm vi: Bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Châu Thành gồm thị trấn Châu Thành và 14 xã bao gồm: Hảo Đước, Phước Vinh, Đồng Khởi, Thái Bình, An Cơ, Biên Giới, Hòa Thạnh, Trí Bình, Hòa Hội, An Bình, Thanh Điền, Thành Long, Ninh Điền, Long Vĩnh, với tổng diện tích 581,03 km2; tiếp giáp với các huyện, thị xã/tỉnh lân cận như sau: Phía Bắc giáp huyện Tân Biên, phía Đông giáp thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành, phía Nam giáp huyện Bến Cầu và phía Tây giáp với Campuchia.

– Tính chất: Là huyện biên giới có chức năng chủ yếu là phát triển nông nghiệp, bảo tồn sinh thái, đảm bảo an sinh xã hội và an ninh quốc phòng; là vùng cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong chuỗi phát triển nông nghiệp của tỉnh.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Nông nghiệp, công nghiệp: Phát triển chủ yếu tại vùng phía Tây của huyện và dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa nhằm gia tăng năng suất cây trồng.

+ Công nghiệp: Phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, phục vụ cho vùng chăn nuôi rộng lớn trong tỉnh tại các huyện Tân Biên, Tân Châu cũng như cho các tỉnh thành khác và xuất khẩu. Phát triển công nghiệp chế biến sâu, tăng giá trị và đa dạng hóa sản phẩm nông sản; các sản phẩm lúa, mỳ sau chế biến có hướng tiếp cận nhiều thị trường trong vùng và xuất khẩu.

+ Thương mại, dịch vụ, du lịch: Phát triển thương mại – dịch vụ tại vùng phía Đông của huyện; kết nối các điểm du lịch dã ngoại tại xã Hòa Hội với thành phố Tây Ninh và thị xã Hòa Thành; khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, ẩm thực, văn hóa dọc tuyến sông Vàm Cỏ Đông.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Lập quy hoạch chung đô thị Châu Thành, đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ hướng tới tiêu chuẩn đô thị loại IV.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ và cơ bản đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV.

Hạ tầng giao thông

Đẩy mạnh huy động đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông tạo tiền đề đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế – xã hội. Tăng cường kết nối với các nội tỉnh với huyện Tân Biên, Bến Cầu, TX. Hòa Thành và TP. Tây Ninh thông qua các kết nối chỉnh bao gồm: nâng cấp ĐT.788, ĐH.5 – ĐH.6 – ĐH.7 – ĐT.781 – ĐT.796 thành Quốc lộ 14C quy mô tối thiểu cấp III-IV kết nối các khu cửa khẩu với Campuchia; ĐT.781 thành Quốc lộ 56B quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III.

Kết nối với trung tâm TP. Tây Ninh đi Bình Dương. Ngoài các tuyến đường tỉnh hiện hữu, quy hoạch nâng cấp và mở mới các trục giao thông Bắc-Nam gồm ĐT.786D, ĐT.786E, ĐT.796C.

Quy hoạch các cảng Gò Chai, Bến Sỏi, Vàm Trảng Trâu phục vụ vận chuyển nguyên vật liệu, nông sản và các khu công nghiệp, khu cửa khẩu. Bến xe khu vực huyện Châu Thành duy trì hoạt động 02 bến xe khách hiệu hữu gồm bến xe Châu Thành (đạt tiêu chuẩn bến loại 6), bến xe Đồng Phước Châu Thành (đạt tiêu chuẩn bến loại 4), quy hoạch bến xe Biên Giới, xã Biên Giới, đạt tiêu chuẩn bến xe loại 6.

Huyện Bến Cầu

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

– Phạm vi quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của huyện Bến Cầu bao gồm: Thị trấn Bến Cầu và 08 xã: Lợi Thuận, Long Thuận, Tiên Thuận, An Thạnh, Long Chữ, Long Phước, Long Giang và Long Khánh, với tổng diện tích là 237,5 km2, tiếp giáp với các huyện, thị xã/tỉnh lân cận như sau: phía Bắc giáp huyện Châu Thành, phía Nam giáp thị xã Trảng Bàng, phía Đông giáp huyện Gò Dầu và phía Tây giáp Campuchia.

– Tính chất: Là vùng phát triển đa ngành, lấy kinh tế cửa khẩu, nông nghiệp và công nghiệp chế biến làm trọng tâm; là cửa ngõ của tỉnh Tây Ninh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với Campuchia, có vai trò hỗ trợ và kết nối với các khu vực phụ cận thông qua QL 22 và Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài.

– Hướng phát triển trọng tâm:

+ Kinh tế cửa khẩu: Khắc phục các điểm nghẽn trong phát triển KKTCK Mộc Bài, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hướng tới xây dựng mô hình đô thị công nghiệp – dịch vụ; chú trọng phát triển, đưa dịch vụ kho bãi, giao nhận, vận chuyển hàng hóa trở thành động lực mới cho tăng trưởng.

+ Nông nghiệp: Phát triển sản xuất nông nghiệp tại vùng phía Bắc của huyện, hướng đến cung cấp nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến tại KKTCK Mộc Bài; nghiên cứu phát triển vùng chăn nuôi tập trung gắn với công nghiệp chế biến sữa; gia tăng giá trị sản xuất lúa gạo thông qua sử dụng giống cây trồng chất lượng cao, áp dụng công nghệ và tăng cường cơ giới hóa hoạt động canh tác.

+ Du lịch: Khai thác hiệu quả tuyến du lịch dọc sông Vàm Cỏ Đông, liên kết dọc tuyến du lịch với các huyện Gò Dầu, Châu Thành để phát triển du lịch sinh thái, du lịch tham quan di tích lịch sử, tăng nguồn thu về lưu trú, lữ hành cho huyện.

Phương án phát triển đô thị, nông thôn

– Giai đoạn 2021 – 2025: Lập đề án công nhận Bến Cầu đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV, đề xuất thành lập thị xã sau phân loại đô thị mới phạm vi toàn huyện.

– Giai đoạn 2026 – 2030: Củng cố hạ tầng; tiếp tục đầu tư hoàn thiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng hướng tới tiêu chuẩn đô thị loại III.

Hạ tầng giao thông

Định hướng trở thành đầu mối giao thông kết nối liên vận với Campuchia, phát triển đường cao tốc TPHCM – Mộc Bài kết nối với TP.HCM quy mô 4-6 làn xe triển khai trước 2025, quy hoạch bổ sung nhánh kết nối với Campuchia với tuyến cao tốc Phnôm Pênh – Bavet.

Quốc lộ 14C và đường tuần tra biên giới kết nối các khu vực cửa khẩu, đi về phía Nam kết nối với tỉnh Long An và khu vực ĐB sông Cửu Long. Nâng cấp Quốc lộ 22 quy mô quy hoạch cấp I-II, 4-6 làn xe.

Các tuyến đường tỉnh trục chính kết nối với trung tâm TP. Tây Ninh, TX. Hòa Thành và khu vực phía Đông đi Bình Dương bao gồm ĐT.786B, ĐT.789B, ĐT.782B.

Hình thành tuyến vận tải hàng hóa kết nối kết nối khu vực KCN phía Đông và phía Nam TX. Trảng Bàng theo trục đường ĐT.782B – QL22B – ĐT.787C hạn chế đi qua khu vực dân cư.

Tuyến đường sắt HCM – Mộc Bài quy hoạch đi theo hành lang phía Bắc QL22, bố trí nhà ga đường sắt Mộc Bài trong khu vực cửa khẩu, kết nối với trung tâm Logistics Mộc Bài.

Duy trì và nâng cấp Bến xe khách Mộc Bài đạt tiêu chuẩn bến xe loại 3 phục vụ nhu cầu đi lại cho hành khách làm việc tại Khu Kinh tế cửa khẩu Mộc Bài.

Tổng hợp bởi Địa Ốc Kim Anh

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN