Là ngọn núi mang nhiều huyền tích, núi Bà Đen trở thành điểm đến tâm linh thu hút du khách trong tháng đầu tiên của năm mới.
Trong “Gia Định thành thông chí” – một sử liệu quan trọng về Nam bộ thời nhà Nguyễn do Trịnh Hoài Đức viết vào đầu thế kỷ XIX, núi Bà Đen được mô tả như sau: “Giữa đất đồng bằng nổi lên ngọn núi Bà Đinh (Bà Đen), ngày đẹp trời, từ Sài Gòn có thể thấy ngọn núi này mờ mờ hiện ra trong mây. Tương truyền đây là ngọn núi thiêng, có chuông vàng ẩn hiện trong hồ, đêm trăng, có thuyền rồng bơi lượn múa hát du dương…”. Núi Bà Đen được coi là ngọn núi thiêng, ngọn núi chính trấn thành Gia Định (tức Sài Gòn xưa), giống như núi Tản Viên ở Thăng Long hay núi Ngự Bình ở cố đô Huế.
Mỗi năm, có hàng triệu người từ khắp tỉnh thành về đây hành hương, chiêm bái. Ngay dưới chân núi trong những ngày Tết hoặc rằm tháng Giêng, nhiều người chọn ngủ lại dưới chân núi để sáng hôm sau có thể lên đỉnh núi thật sớm. Những ngày cuối tuần trong tháng Giêng, những đoàn xe còn kéo dài suốt từ Trảng Bàng đến chân núi.
Việc người dân Nam bộ ngủ lại dưới chân núi thiêng Bà Đen và xếp hàng dài để đi cáp treo lên đỉnh núi không phải là điều quá ngạc nhiên. Nhìn lại trong đời sống tín ngưỡng của người Việt, ở miền Bắc, vào lễ Mở cổng trời tại Đền Nưa (Thanh Hoá), hàng ngàn du khách đổ về đây dâng hương, đi quanh huyệt đạo nhiều vòng và cầu may mắn. Núi Nưa (Thanh Hoá), núi Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội) và núi Bà Đen (Tây Ninh) là 3 huyệt đạo thiêng nhất nước Nam, là nơi hội tụ linh khí đất trời. Vì vậy, đa phần du khách xem việc đặt chân đến ngọn núi thiêng Bà Đen là việc phải làm mỗi năm để cầu bình an và may mắn.
Chị Phạm Thị Nga (Vũng Tàu), một du khách hành hương chia sẻ, năm nào gia đình chị cũng đến đây ít nhất một lần để cầu bình an và may mắn. “Gia đình tôi không ngại quá đông đúc hay tình trạng tắc đường khi gần đến núi Bà. Chúng tôi tin Bà sẽ chứng giám cho sự thành tâm và phù hộ độ trì mọi người một năm mới mưa thuận gió hoà, vạn sự như ý”, chị Nga cho biết.
Có rất nhiều truyền thuyết về núi Bà Đen được kể lại qua các thế hệ. Trong đó được nhắc đến nhiều nhất là huyền tích về nàng Lý Thị Thiên Hương tử tiết trên núi với 3 lần hiển linh báo mộng, được tôn làm Linh Sơn Thánh Mẫu và trở thành biểu tượng cho tín ngưỡng của người Nam Bộ suốt nhiều thế kỷ qua.
Không chỉ có sự tích về Linh Sơn Thánh Mẫu, tại quần thể tâm linh trên núi Bà Đen còn có nhiều miếu, động, chùa được du khách biết đến như: động Ba Cô, miếu Sơn Thần, chùa Hang, động Kim Quang… Trong đó động Ba Cô nằm cao nhất tại khu vực chùa Bà, nơi nhiều người đến để cầu tình duyên và sức khoẻ.
Trên đỉnh núi Bà Đen ngày nay còn có một quần thể tâm linh kỳ vĩ kết nối với chùa Bà ở lưng chừng núi. Tượng Phật bà Tây Bổ Đà Sơn bằng đồng trên đỉnh núi cao nhất châu Á được xem là biểu tượng linh thiêng của núi Bà Đen.
“Tay trái tượng Phật cầm bình cam lộ đang dốc xuống, tượng trưng cho ban phát phước lành. Tay phải Phật Bà nâng lên bắt quyết Giáo hóa ấn Karana Mudr, mang ý nghĩa lìa xa ác nghiệp. Hoa văn, họa tiết của đài sen được phỏng theo cánh sen kép trong tượng Phật thời Lê với tạo hình đám mây và ba giọt nước, tượng trưng cho lời cầu nguyện mưa thuận gió hòa”, đại diện khu du lịch cho hay.
Chị Thanh Hằng (Hà Nội) kể lại: “Tôi có cơ may được đứng ở nơi cao nhất ngay chân tượng Phật nhìn ra toàn cảnh đồng bằng trù phú của miền Đông Nam Bộ. Tôi có thể nhìn thấy rõ đường chân trời màu hồng mênh mông, cảm nhận một luồng sinh khí dồi dào và một tâm thái vô cùng an yên”.
Sau nhiều thế kỷ, núi Bà Đen trở thành biểu tượng cho tín ngưỡng của người dân Nam bộ. Ngày nay, người dân thập phương không chỉ hành hương đến núi Bà vào dịp đầu xuân năm mới mà suốt quanh năm đều tìm đến núi Bà Đen như một cách để tìm về sự an yên, với một niềm tin mãnh liệt và niềm hạnh phúc đích thực từ trong tâm.
>>> Xuất hiện quầng mây sáng cực lạ trên đỉnh núi Bà Đen
Nguồn : Vienamnet
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: