Dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài và Gò Dầu – thành phố Tây Ninh: Kỳ vọng tạo động lực bứt phá

4,311 lượt xem

Ngày 28.12.2021, Thủ tướng Chính phủ có Văn bản số 1823/TTg-CN về việc giao cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài.

 QL22 đi qua nhiều khu thị tứ, đông dân cư.

Kể từ đó đến nay, người dân trong tỉnh luôn quan tâm đến quá trình thực hiện của các cơ quan có thẩm quyền với hy vọng dự án sớm được triển khai nhằm tạo động lực bứt phá về giao thông đường bộ của tỉnh.

Quốc lộ 22 chưa tương xứng với  nhu cầu phát triển

Có mặt tại bãi xe container Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (huyện Bến Cầu), nhiều tài xế vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu từ các cảng đến làm thủ tục thông quan sang Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho rằng, QL22 chưa tương xứng với nhu cầu vận chuyển hàng hoá, nhất là các phương tiện có tải trọng lớn.

Một tài xế vận chuyển hàng hoá từ cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) lên cửa khẩu Mộc Bài cho biết, QL22B hiện nay chỉ có mỗi bên 2 làn xe, nhiều đoạn qua khu thị tứ, khu dân cư, quãng đường từ ngã tư An Sương đến cửa khẩu Mộc Bài khoảng 60km nhưng lưu thông vào ban đêm dù đường vắng cũng mất khoảng 1 giờ 30 phút, ban ngày mất hơn 2 giờ. Nếu có đường cao tốc, thời gian vận chuyển hàng hoá sẽ rút ngắn, tiết kiệm nhiên liệu, doanh nghiệp có thể chủ động tăng thêm số chuyến hàng hoá vận chuyển. Các phương tiện chở hàng hoá có tải trọng lớn đi đến các khu công nghiệp cũng sẽ chọn đi đường cao tốc để tăng lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng cao, các doanh nghiệp phải cạnh tranh khốc liệt về giá cước vận chuyển. Đồng thời, phương tiện lưu thông trên QL22 cũng sẽ giảm, hạn chế những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra.

Theo các tài xế container tại bãi chờ Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, nếu có đường cao tốc chắc chắn đó chính là đòn bẩy phát triển giao thông đường bộ Tây Ninh, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Thực tế cho thấy, trên tuyến QL22, đoạn từ vòng xoay Gò Dầu đến Suối Sâu lúc nào cũng đông phương tiện lưu thông, trong đó có nhiều xe tải lớn, container, xe khách. Đơn cử như từ chốt tín hiệu đèn giao thông ngã ba Trảng Bàng đến Suối Sâu dù không phải là giờ cao điểm nhưng mỗi khi đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ, nhiều phương tiện ô tô phải nối đuôi nhau đậu cả hai làn xe. Đó là thời điểm bình thường trong ngày, vào giờ cao điểm khi công nhân tại các khu công nghiệp tan ca, tình trạng kẹt xe trở thành chuyện cơm bữa.

QL22 hiện nay mỗi bên chỉ có 2 làn xe, lượng xe ô tô chạy gần như hết cả 2 làn xe này. Ảnh chụp đoạn trước Khu công nghiệp Trảng Bàng.

Cơ quan chức năng xúc tiến nhanh các thủ tục

Theo Sở Giao thông Vận tải, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 3062/UBND-DA ngày 31.8.2022, trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Bộ KH&ĐT đã họp tổ thẩm định liên ngành và đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh một số nội dung.

 Ngày 26.9.2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 1134/QĐ-TTg thành lập Hội đồng thẩm định liên ngành Dự án đầu tư xây đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài và Hội đồng đã tổ chức họp thẩm định lần 1 vào ngày 5.12.2022. Ngày 15.4.2023, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có Công văn số 1507/UBND-DA gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư giải trình, bổ sung và hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo Công văn số 9032/BKHĐT-GSTĐĐT ngày 13.12.2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

 Đến ngày 29.6.2023, Hội đồng thẩm định liên ngành đã họp và có Thông báo số 27/TB-BKHĐT ngày 30.6.2023 về kết luận cuộc họp của Hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài (giai đoạn 1).

 Hiện nay, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành và đơn vị tư vấn giải trình bổ sung ý kiến thẩm định và hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (BCNCTKT) dự án để trình Hội đồng thẩm định liên ngành xem xét, trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Dự án đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1, đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh), ngày 24.6.2022, UBND tỉnh có Công văn số 1980/UBND-KT chấp thuận giao liên danh nhà đầu tư (Công ty cổ phần Bamboo Capital – Tổng Công ty Xây dựng số 1 – Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Công nghiệp và Vận tải) lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát (giai đoạn 1, thực hiện đoạn từ Gò Dầu đến thành phố Tây Ninh) theo phương thức PPP.

Nhiều tài xế điều khiển phương tiện Container tại bãi đậu xe cửa khẩu quốc tế Mộc Bài cho biết, với quãng đường khoảng 60km nhưng thời gian di chuyển từ ngã tư An Sương đến cửa khẩu Mộc Bài thường phải mất từ 1 giờ 30 phút đến 2 giờ tuỳ theo thời điểm.

Hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và hồ sơ đề xuất dự án đã được Hội đồng thẩm định cấp cơ sở thẩm định. Kết quả thẩm định: phương án đầu tư do liên danh nhà đầu tư đề xuất không được thông qua (đã được UBND tỉnh thông báo kết quả tại Văn bản số 879/UBND-KT ngày 29.3.2023).

Hiện nay, UBND tỉnh đã có Văn bản số 1738/UBND-KT ngày 9.6.2023 chấp thuận cho một doanh nghiệp có quy mô lớn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án và hồ sơ đề xuất đầu tư Dự án đường cao tốc Gò Dầu – Xa Mát theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thời gian nộp hồ sơ đề xuất trước ngày 30.8.2023.

>>> Trảng Bàng: Người dân đồng thuận thực hiện Dự án đường liên tuyến kết nối vùng N8-787B-789

Nguồn : Báo Tây Ninh

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN