Diễn biến các phân khúc bất động sản trong năm 2023 sẽ ra sao?

372 lượt xem

Dự báo năm 2023, với phân khúc nhà ở, giá đi ngang, nguồn cung chưa có cải thiện nhiều. Bất động sản công nghiệp được đánh giá lạc quan, giá thuê không giảm. Năm 2023 sẽ là một năm khởi sắc của phân khúc bất động sản bán lẻ. Còn bất động sản văn phòng sẽ bị ảnh hưởng nhẹ.

Theo báo cáo tổng quan thị trường bất động sản 2022: Kỳ vọng và những biến động của Viện nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất động sản Dat Xanh Services (FERI), năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam có khá nhiều sự kiện nổi bật.

Sau làn sóng Covid-19 lần thứ 4 (cuối năm 2021 – đầu năm 2022), thị trường dần sôi động khi lượng giao dịch và giá một số khu vực không ngừng tăng, dẫn đến tình trạng sốt đất trên diện rộng.

Việc UBND TP.HCM hủy kết quả đấu giá đất Thủ Thiêm là cơ sở để chính quyền đánh giá lại toàn bộ bức tranh thị trường, đồng thời phát triển bất động sản Thủ Thiêm một cách bền vững hơn.

Chính sách siết tín dụng và tăng lãi suất cho vay ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư. Công tác thanh kiểm tra và xử lý sai phạm trên diện rộng đối với nhiều doanh nghiệp nhằm lành mạnh hóa thị trường, trong ngắn hạn đã có những tác động rất lớn về đối với tâm lý và niềm tin thị trường.

Đối mặt với hàng loạt khó khăn về thị trường, khách hàng, tính thanh khoản, vốn, trái phiếu…, hàng loạt chủ đầu tư và các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động tái cấu trúc, tinh gọn bộ máy, điều chỉnh chiến lược, điều chỉnh giá sản phẩm, tái cấu trúc danh mục tài sản, bán bớt tài sản để mua lại trái phiếu trước hạn… nhằm đưa công ty về trạng thái an toàn nhất có thể.

Theo đơn vị này, trong năm vừa qua, nhiều chính sách, dự thảo nổi bật cũng được ban hành và nhận được sự quan tâm của cộng đồng, như đề xuất chính sách sở hữu chung cư có thời hạn; đề xuất đánh thuế bất động sản thứ 2; bỏ khung giá đất, xác định theo giá thị trường; ban hành mẫu hợp đồng mua bán & Quy định giấy chứng nhận quyền sở hữu cho căn hộ du lịch (condotel).

“Các dự thảo này được đánh giá là nỗ lực của nhà nước trong việc định hình, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh hơn, giảm tình trạng đầu cơ, sốt ảo. Tuy nhiên, cần xây dựng một hệ thống dữ liệu, đưa ra các quy định cụ thể để giải quyết những vướng mắc còn tồn đọng”, đơn vị này nhận định.

Bên cạnh đó, chính sách “nắn” lại dòng tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản là một trong những điểm nóng được bàn thảo nhiều trong năm 2022. Nhiều chủ đầu tư và khách hàng đều kỳ vọng chính phủ có động thái mạnh mẽ hơn trong việc nới “room” tín dụng, kiểm soát lãi suất cho vay đầu tư bất động sản. Ngoài ra, kỳ vọng chính quyền đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án, các công trình cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh triển khai sẽ là những trợ lực cho thị trường trong thời gian tới.

Về phía khách hàng, đặc biệt là những người có nhu cầu mua ở thực mong muốn giá bán được đưa về mức hợp lý, đi kèm chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân hàng và chủ đầu tư.

Diễn biến các phân khúc bất động sản 2023

Theo FERI, năm vừa qua, bất động sản văn phòng là một trong những phân khúc được ghi nhận phục hồi khá sau giai đoạn hậu Covid, với nguồn cung mới tăng nhẹ, giá thuê và tỷ lệ hấp thụ đã cải thiện tương đương mức trước dịch.

Dự báo đến năm 2023, phân khúc này sẽ bị ảnh hưởng nhẹ do các doanh nghiệp giảm quy mô, chi phí, thuê văn phòng diện tích nhỏ hơn, hoặc chuyển sang xu hướng chọn không gian làm việc chung với chi phí tối ưu hơn.

Với bất động sản bán lẻ, các nhà bán lẻ nước ngoài gia nhập thị trường khiến giá thuê tăng cao, việc trả mặt bằng diễn ra không nhiều do khách thuê nhận được hỗ trợ từ chủ đầu tư. Giai đoạn này, ghi nhận tỷ lệ hấp thụ cao hơn ở khu vực ngoài trung tâm, TTTM cơ cấu lại ngành hàng sau dịch.

Dự báo, năm 2023 vẫn là một năm khởi sắc của phân khúc này khi xu hướng mở rộng của các nhà đầu tư bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam (đặc biệt ngành hàng siêu thị) vẫn tăng cao.

Bất động sản công nghiệp cũng là một điểm sáng trong năm qua khi liên tục tăng về giá thuê và tỉ lệ lấp đầy. Giá thuê cao do nguồn cung hạn chế, tỷ lệ lấp đầy tăng nhẹ theo năm (bình quân ước đạt trên 82%).

Phân khúc này tiếp tục được đánh giá lạc quan trong năm sau khi dự báo giá thuê không giảm, ghi nhận xu hướng đầu tư vào nhà kho/nhà xưởng xây sẵn, logistics, data centers…

Bất động sản nhà ở chịu nhiều ảnh hưởng từ những yếu tố biến động khách quan, chủ quan của thị trường, chưa thể có sự phục hồi nhanh như kỳ vọng trong trong năm qua. Nguồn cung khan hiếm khiến giá bán tăng nhẹ, cộng với chính sách siết tín dụng bất động sản khiến tỷ lệ hấp thụ giảm mạnh từ quý 3/2022, và càng giảm sâu hơn trong quý 4/2022.

Dự báo, nguồn cung nhà ở vẫn chưa có cải thiện nhiều trong năm 2023 do vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ, giá bán đi ngang, tỷ lệ hấp thụ được kỳ vọng sẽ có chuyển biến tích cực hơn từ cuối quý 2, đầu quý 3/2023 – khi các giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn thị trường từ Chính phủ và các doanh nghiệp bất động sản bắt đầu phát huy tác dụng.

Nguồn : Nhịp sống thị trường

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

0927 19 29 29
0927 19 29 29

Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email:

Chia sẻ bải viết:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN