Tỉnh miền Đông Nam Bộ, láng giềng của TP HCM, có doanh thu du lịch năm ngoái đạt 1.400 tỷ đồng.
Cụ thể, trong năm 2022, tổng doanh thu du lịch của tỉnh Tây Ninh tăng 130%, đạt 1.400 tỷ đồng và lượng khách du lịch tăng 200%, đạt 4,5 triệu lượt khách và Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn hàng đầu của cả nước. Trước đó, theo kế hoạch, năm 2022, ngành du lịch Tây Ninh phấn đấu đạt khoảng 3,1 triệu lượt khách đến tham quan. Thế nhưng, đến tháng 10/2022, con số này đã vượt mốc 4,37 triệu lượt khách.
Thống kê của Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đến hết tháng 10/2022, tổng doanh thu du lịch đạt 1.353 tỷ đồng, tăng 158%. Ngoài khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt trên 4,37 triệu lượt (tăng 194%) thì lượng khách lữ hành đã đạt 22.500 lượt (tăng 1.578%) và khách lưu trú đạt trên 2,5 triệu lượt (tăng 128% so với cùng kỳ).
Núi Bà Đen là danh thắng của Tây Ninh, riêng nơi này đã hút lượng lớn du khách đến tỉnh này. Ảnh: Dy Khoa.
Còn đầu năm nay, theo Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Tây Ninh, tính từ ngày 20/1 đến 31/1 (tức 29 đến mùng 10 Tết Quý Mão 2023), Khu du lịch núi Bà Đen đón 973.031 lượt khách, tương đương với số khách toàn tỉnh Tây Ninh tiếp đón.
Tháng 6/2022, Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh đã có kế hoạch về phát triển du lịch tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Tây Ninh có Khu du lịch núi Bà Đen đạt tiêu chuẩn khu du lịch cấp quốc gia, trở thành khu du lịch đẳng cấp của khu vực và quốc gia, là tâm điểm dẫn dắt, kết nối lan tỏa du lịch địa phương và khu vực Đông Nam bộ.
Tỉnh này đặt mục tiêu sẽ có khoảng 7.400 lao động làm việc có liên quan đến ngành du lịch. Doanh thu du lịch giai đoạn 2021-2025 đạt 9.000 tỷ đồng; khách tham quan du lịch đạt 18 triệu lượt. Tương lai, Tây Ninh cũng định hướng xây dựng nhiều loại hình du lịch từ nghỉ dưỡng đến du lịch văn hóa – lễ hội, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch về nguồn, tìm hiểu lịch sử…
Du khách đến Tây Ninh chủ yếu thăm, viếng núi Bà Đen và Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Tuy nhiên, Tây Ninh còn nhiều điểm du lịch khác như Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, hồ Dầu Tiếng… chưa được nhiều du khách chú ý.
Ngày 24/11/2022, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh cho biết, Ủy ban Nhân dân tỉnh này ban hành Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 4/11/2022 (Quyết định 2239), về việc phê duyệt “Đề án rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo Quyết định 2239, Tây Ninh định hướng quy hoạch cảng hàng không Tây Ninh cấp 4E, đáp ứng khai thác các loại máy bay cỡ lớn A350, B787, A320, A321, ATR72, F70, các dòng máy bay tư nhân. Công suất dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm, hàng hoá khoảng 2.000 tấn/năm; đến năm 2050 khoảng 2 triệu hành khách/năm, hàng hoá khoảng 5.000 tấn/năm.
Sân bay Tây Ninh đang được để ngỏ khả năng thành hình
Cảng hàng không có chức năng dân dụng, thực hiện khai thác các tuyến bay nội địa thường kỳ và một số tuyến bay quốc tế, có chức năng vận tải hàng hoá kết hợp với du lịch, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và hỗ trợ, phục vụ phát triển các Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, Xa Mát.
Tây Ninh cũng dự kiến dành quỹ đất sử dụng quy hoạch cảng hàng không khoảng 500 ha, bảo đảm quy mô đất dự trữ để phát triển thành sân bay quốc tế. Vị trí quy hoạch trên địa bàn huyện Dương Minh Châu, gần các tuyến giao thông quan trọng như cao tốc Gò Dầu – Xa Mát, quốc lộ 22, 22B…
Ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết, Tây Ninh quy hoạch sân bay Tây Ninh theo quy luật phát triển, các tiện ích cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường thủy, hàng không phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu. Do đó, nếu đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì nên xem sân bay như một dự án đầu tư đơn thuần. Tây Ninh hội đủ yếu tố cần và đủ, đặc biệt dư địa phát triển của Tây Ninh về du lịch rất lớn.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Ngọc việc “hình thành sân bay Tây Ninh không chỉ chia sẻ áp lực vận chuyển hàng không với sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giúp Tây Ninh kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài nước, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại quốc gia”.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, hồi tháng 2, đã nhận được đề xuất của 10 tỉnh kiến nghị bổ sung quy hoạch sân bay mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm: Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Hà Tĩnh, Kon Tum, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Đắk Nông, Tây Ninh.
Kết quả đánh giá cho thấy trong số 10 vị trí được các địa phương đề xuất quy hoạch sân bay, có 2 vị trí tại Hà Giang, Tuyên Quang không khả thi bố trí đường băng, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở. Tuy nhiên các đơn vị đề xuất địa phương có thể nghiên cứu ở vị trí khác khả thi hơn.
Cũng trong tháng 2 năm nay, Cục Hàng không Việt Nam có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải về kết quả rà soát, hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, sân bay Tây Ninh nằm trong danh sách các sân bay tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không tại một số tỉnh có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và về lâu dài có tiềm năng phát triển về du lịch, dịch vụ nhưng chưa có sân bay quân sự đang khai thác.
Theo đánh giá, sân bay Tây Ninh, đặt tại xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, cách TP Tây Ninh 20 km. Vị trí khả thi về tổ chức vùng trời, trên mặt đất, giao thông kết nối thuận tiện. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu địa phương tiếp tục nghiên cứu, khảo sát quy hoạch và đánh giá tính hiệu quả, huy động vốn đầu tư, để ngỏ khả năng đưa vào quy hoạch mạng cảng hàng không toàn quốc.
>>> Giá bất động sản đang tốt, có nên vay tiền mua nhà lúc này?
Nguồn : Nhịp sống thị trường
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: