Thị trường bất động sản năm 2023 được nhận định sẽ không rơi vào tình trạng “sốt đất” như những năm trước đó. Bởi, tâm lý nhà đầu tư vẫn rất dè chừng và trở nên thận trọng trước khi “xuống tiền”
Thị trường bất động sản đầu năm diễn biến khác lạ
Thông thường, quý I hàng năm, thị trường bất động sản luôn diễn biến khá sôi động. Còn nhớ, cách đây 1 năm, thậm chí “cơn sốt” đất đã xảy ra tại nhiều khu vực như vùng ven Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bình Phước, Quảng Trị,…
Tuy nhiên, ở năm nay, thị trường đã có diễn biến trái ngược. Giá đất nền tại nhiều khu vực không còn tăng nóng mà thay vào đó các chủ đất phải chấp nhận giảm để tìm khách mua, thu tiền về.
Đơn cử, giá đất nền tại Phù Cát, Phú Mãn (Quốc Oai), thời điểm sốt giá đất được giao dịch khoảng 25 – 30 triệu đồng/m2, thì nay giá rao bán còn 18 – 24 triệu đồng/m2. Tại khu vực Thạch Thất , Sơn Tây, đầu năm ngoái, các mảnh đất phân lô được giao dịch với giá từ 20 – 24 triệu đồng, đến nay giá đã giảm xuống còn khoảng 14 – 18 triệu đồng/m2…
Hay tại khu vực Bắc Giang, giai đoạn 2020 đến đầu năm 2022, được xem như “miền đất hứa” của giới đầu tư địa ốc. Bởi, giá đất liên tục tăng mạnh, theo đó không ít người đã kiếm tiền tỷ từ nơi đây.
Thời điểm tháng 4/2022, tại Việt Yên, Lục Nam (Bắc Giang) những lô đất nằm ở mặt đường rộng khoảng 7 – 9m, có tiềm năng kinh doanh được rao bán với giá từ 27 – 34 triệu đồng/m2. Những mảnh đất nằm ở mặt đường rộng 5 – 6m, có giá dao động từ 20 – 24 triệu đồng/m2. Còn đất nền trong ngõ mức giá từ 5 – 10 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Thì nay, giá đã giảm khoảng 10 – 25%. Cụ thể, các mảnh đất nằm ở đường rộng từ 7 – 9m đã giảm xuống còn 24 – 30 triệu đồng/m2. Đất nằm ở mặt đường 5 – 6m giá giảm còn 13 – 18 triệu đồng/m2. Còn đất nền trong ngõ, nhiều mảnh đã giảm xuống còn 3 – 7 triệu đồng/m2.
Khó xảy ra sốt đất như những năm trước
Ngoài ra, nhiều khu vực khác từng xảy ra “sốt đất” cũng ghi nhận mức giá bán đã sụt giảm trên 20% so với đỉnh. Thị trường bất động sản 2023 được nhận định sẽ hồi phục nhờ vào những chính sách mới được thông qua, kèm theo đó là các dự án hạ tầng đầu tư. Tuy nhiên, thị trường sẽ khó xảy ra “sốt đất” nhưng những năm trước đó.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, tình trạng sốt đất đầu năm 2022 một phần là do thị trường đang được kỳ vọng quá lớn vào khả năng hồi phục sau hai năm chịu ảnh hưởng Covid-19. Vì vậy mà tâm lý nhà đầu tư rất hưng phấn muốn tham gia thị trường, đẩy giá bất động sản tăng cao.
Song, đến giữa năm với hàng loạt các động thái kiểm soát về tín dụng ngân hàng, thắt chặt hoạt động trái phiếu doanh nghiệp, cùng một số lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào lao lý khiến tâm lý chung của thị trường có sự biến động. Từ đó mà thị trường bất động sản “hạ nhiệt sốc”.
Vị này cho rằng, việc thị trường nóng hay lạnh một cách đột ngột phần lớn là do các yếu tố từ bên ngoài xuất hiện và tác động bất ngờ. Nên để nói năm 2023, tình trạng này có lặp lại hay không còn phụ thuộc nhiều vào bối cảnh bên ngoài. “Tuy nhiên, tôi cho rằng, thị trường năm nay sẽ không rơi vào trạng thái như cũ”, ông Đính nói.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam phân tích, năm nay hiện tượng đầu cơ sẽ ít hơn do việc sử dụng đòn bẩy tài chính đang trở nên khó khăn. Đối với nhà đầu tư, tâm lý vẫn rất dè chừng và trở nên thận trọng trước khi “xuống tiền”. Ngoài ra, thị trường đang hướng về nhu cầu thực. Vì vậy, khó xảy ra tình trạng “sốt nóng”.
Bên cạnh đó, những thăng trầm trong năm 2022 sẽ đem đến nhiều bài học cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, kể cả những nhà làm chính sách trong năm 2023. Do đó, thời gian tới dù khó khăn, thị trường vẫn sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc ứng phó.
>>> Thị trường bất động sản sẽ diễn biến thế nào sau cuộc họp tín dụng?
Nguồn : Nhịp sống thị trường
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: