Cao tốc Mộc Bài – TP.HCM hình thành sẽ chia lửa với quốc lộ 22 vốn đang quá tải để khơi thông mạch giao thông, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế phía Nam.
Đặc biệt, cao tốc hoàn thành còn kết nối với cao tốc Bavet – Phnom Penh của Campuchia (khởi công vào tháng 6-2023), rút ngắn thời gian đi lại giữa các nước trong khu vực.
Đường độc đạo nghẽn mạch lưu thông
Có mặt tại quốc lộ 22 – tuyến đường huyết mạch và quan trọng nhất để kết nối TP.HCM với Tây Ninh (cửa khẩu quốc tế Mộc Bài) những ngày giữa tháng 7, phóng viên đã cảm nhận rõ được “nỗi khổ” của các tài xế khi phải thường xuyên rơi vào tình trạng ùn ứ giao thông hoặc xe cộ nối đuôi nhau đi “cà nhích”.
Theo giới tài xế thường xuyên chạy trên tuyến đường này, đoạn từ vòng xoay An Sương đến ngã tư Tân Trung Chánh, Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa… hay ở hướng ngược lại từ thị xã Trảng Bàng đi TP.HCM ngày nào cũng kẹt xe. Điều này đã trở thành nỗi ám ánh của người đi đường trong nhiều năm qua.
Tài xế Nguyễn Văn Nghĩa (ngụ TP Thủ Đức) bộc bạch quốc lộ 22 đã kẹt xe triền miền suốt nhiều năm liền vì xe quá đông, đường lại quá hẹp với nhiều đường nhánh cắt ngang. Chỉ một vụ va chạm xe nhỏ xảy ra thì đã kẹt cứng hàng cây số.
“Nhiều hôm chúng tôi phải tốn hết 3 – 4 tiếng với quãng đường chỉ khoảng 60km (từ ngã tư An Sương đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài)”, tài xế Nghĩa nói.
Còn ông Bùi Văn Quản, chủ tịch Hiệp hội Hàng hóa TP.HCM, chia sẻ đã nghe dự án cao tốc Mộc Bài – TP.HCM triển khai nhiều năm qua, thậm chí còn trước cả đường vành đai 3 TP.HCM.
Tuy nhiên, đường vành đai 3 TP.HCM hiện đã khởi công, còn cao tốc TP.HCM – Mộc Bài chưa rõ kẹt ở khâu nào mà đến giờ vẫn chờ duyệt chủ trương đầu tư.
Cơ quan chức năng cần sớm đẩy nhanh thủ tục để triển khai, tránh để dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài “đi trước, về sau”.
Tương tự, ông Hoàng Sỹ Hoàn, phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô tỉnh Tây Ninh, cho hay hiệp hội đã nhiều lần nghe các đơn vị quản lý vận tải, tài xế phản ánh về việc ách tắc trên quốc lộ 22.
Qua đó, hi vọng các dự án giao thông mở rộng sớm được triển khai, đặc biệt là cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Cao tốc hình thành, lượng xe chạy trên trên quốc lộ 22 sẽ được giải tỏa, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh vận tải và việc đi lại của người dân.
Nói thêm về việc cần đẩy nhanh liên kết, hợp tác để đưa dự án cao tốc Mộc Bài – TP.HCM vào xây dựng, ông Nguyễn Tấn Tài, giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Tây Ninh, chia sẻ thêm thời gian qua Tây Ninh cùng với TP.HCM, Bình Dương, Bình Phước, Long An đã phối hợp và nghiên cứu các phương án giảm áp lực cho quốc lộ 22, tăng tính kết nối giao thông vùng Đông Nam Bộ.
Nhiều tuyến đường giao thông kết nối vùng quan trọng đã được các tỉnh phối hợp đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, trong chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ cũng có nhiều dự án kết nối vùng đang được triển khai.
Mở đường tạo cơ hội cho cao tốc Mộc Bài – TP.HCM
Cách đây bốn năm, nhằm thúc đẩy tiến trình đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài, TP.HCM và Tây Ninh đã ký kết kế hoạch phối hợp triển khai. Theo đó, hai địa phương đề ra kế hoạch trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vào tháng 9-2021.
Tuy nhiên kế hoạch bị trễ tiến độ đề ra và tới năm 2022, dự án được trình để Hội đồng Thẩm định nhà nước tiến hành thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Trong giai đoạn này, dự án được điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đoạn tránh khu vực đất quốc phòng qua địa bàn TP.HCM và Tây Ninh.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài kết nối với cả hai đường vành đai 3, 4 TP.HCM. Hiện nay đường vành đai 3 TP.HCM đã khởi công vào tháng 6-2023 và dự kiến thông xe phần cao tốc vào năm 2025.
Còn đường vành đai 4 TP.HCM đang được đẩy nhanh tiến độ đầu tư, dự kiến khởi công trong năm 2024 và hoàn thành năm 2028.
Như vậy, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc TP.HCM – Mộc Bài là rất cần thiết để đồng bộ với tiến độ khai thác đường vành đai 3, đường vành đai 4 mở thêm hướng không chỉ liên kết vùng mà còn liên kết giao thông các nước trong khu vực.
Ngày 12-7, HĐND TP.HCM đã thống nhất chủ trương về điều chỉnh quy mô và đảm bảo thực hiện cân đối đủ vốn ngân sách TP tham gia dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài. Về quy mô, tổng chiều dài tuyến là 51,17km đầu tư bốn làn xe cao tốc, có hai làn khẩn cấp hai bên…
Tổng mức đầu tư dự án tăng lên 21.517 tỉ đồng do tuyến điều chỉnh dài hơn, chiều rộng nền đường được điều chỉnh từ 17m lên 25,5m vì bổ sung hai làn đường khẩn cấp…
Về tiến trình triển khai, TP.HCM dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trước ngày 31-8-2023, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi trước ngày 31-12-2023. Dự án dự kiến khởi công trước ngày 30-4-2025 và hoàn thành, thông xe dự án trước ngày 31-12-2027.
Vào danh sách công trình trọng điểm quốc gia
Ông Lương Minh Phúc, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông), cho biết cao tốc TP.HCM – Mộc Bài hiện đã được bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia ngành giao thông.
Sang năm 2024, Ban Giao thông sẽ tập trung cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và lựa chọn nhà đầu tư.
TP sẽ phấn đấu khởi công dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài trước 30-4-2025. Sau đó, tập trung cho giai đoạn thi công, cố gắng thông xe toàn tuyến trong năm 2027, đồng bộ với tuyến cao tốc Phnom Penh – Bavet của Campuchia vừa được khởi công.
“Đối với đoạn 10km để nối hai tuyến cao tốc trên (mỗi nước còn 5km nữa để hoàn thành kết nối – PV), Bộ Giao thông vận tải cùng tỉnh Tây Ninh sẽ tiến hành một dự án để nối kết khoảng 5km từ điểm cuối của cao tốc TP.HCM – Mộc Bài đến khu vực biên giới Campchia. Từ đó, tạo thành tuyến liên thông giữa hai nước”, ông Phúc nói.
Ông Phúc cho biết thêm sự cấp thiết của dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài ngày càng được thể hiện rõ khi tuyến đường độc đạo của TP.HCM đi Tây Ninh (quốc lộ 22) ngày càng quá tải.
Cao tốc TP.HCM – Mộc Bài khi hoàn thành sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, tạo thành trục hành lang Đông – Tây. Đồng thời, tạo cánh cửa mở cho tỉnh Tây Ninh đối với các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam.
Dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài sẽ được thực hiện bởi những cơ chế đặc thù, tương tự với dự án đường vành đai 3. Ban Giao thông sẽ giải phóng mặt bằng ngay sau khi có chủ trương đầu tư. Đồng thời, với nghị quyết 98 có cách thức đầu tư dự án theo TOD (khai thác những quỹ đất tiềm năng), do đó Ban Giao thông cũng đang tính toán, trình với Chính phủ để khai thác theo hướng này. “Lúc này, điều chúng tôi mong mỏi lớn nhất là Trung ương sớm phê duyệt chủ trương đầu tư dự án trong thời gian sắp tới. Đồng thời, mong bà con tiếp tục ủng hộ làm dự án”, ông Phúc nói.
Có thể nâng cấp quốc lộ 22 theo hình thức BOT
Nhiều năm qua, trong khi tuyến cao tốc TP.HCM – Mộc Bài chưa thể triển khai, TP.HCM dự tính sẽ nâng cấp mở rộng quốc lộ 22. Cách đây tám năm, rất nhiều nhà đầu tư đã đề xuất triển khai mở rộng tuyến đường lên 60m. Tuy nhiên, dự án chưa thể triển khai và đến năm 2017, nghị quyết 437 của Quốc hội yêu cầu dừng hợp đồng BOT trên đường cũ.
Tại nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, cho phép TP triển khai các dự án theo hình thức BOT trên đường trục chính đô thị, đường trên cao. Dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 22, quốc lộ 1 đoạn An Lạc – giáp ranh Long An, quốc lộ 13… đang được TP.HCM áp dụng cơ chế mới triển khai theo hình thức BOT.
>>> Trảng Bàng: Triển khai kế hoạch thu hồi đất thực hiện dự án Trung tâm logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Tây Ninh
Nguồn : Tuổi trẻ
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: