Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 16 đô thị.
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Tây Ninh có 16 đô thị. Giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt từ 50% trở lên; giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 53%, hoàn thành việc phân cấp, phân loại đô thị của giai đoạn 2021-2025 và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội bảo đảm nhu cầu khu vực đô thị và khu công nghiệp, tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quy định hiện hành có liên quan về phát triển đô thị.
Thay đổi tư duy phát triển đô thị
Năm 2002, Tỉnh uỷ ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển thị xã Tây Ninh được coi là dấu mốc sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển, đó là: không đầu tư dàn trải mà tập trung nguồn lực để phát triển những nơi có nhiều điều kiện phát triển nhất, từ đó tạo động lực kéo các khu vực khác phát triển theo.
Cũng từ giai đoạn này, tỉnh ưu tiên dành nhiều sự quan tâm huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng đô thị của thành phố đồng bộ theo tiêu chí đô thị loại III tương xứng với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học – kỹ thuật của tỉnh, có tác động lan toả đối với sự phát triển của các huyện lân cận và cả tỉnh. Năm 2013, thị xã Tây Ninh được công nhận là thành phố và hiện đang tiếp tục được quan tâm đầu tư nâng loại đô thị từ loại III lên loại II.
Theo đánh giá hiện trạng phát triển đô thị trong Quy hoạch tỉnh Tây Ninh, tính đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá của Tây Ninh đạt 41,8%. Toàn tỉnh có 9 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại III là thành phố Tây Ninh, 2 đô thị loại IV là các thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng, 6 đô thị loại V là các thị trấn: Gò Dầu, Bến Cầu, Châu Thành, Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên. Các đô thị cơ bản đạt được quy mô đô thị so với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Tây Ninh đến năm 2020.
Tuy nhiên, so với quy hoạch được duyệt, về cơ bản, các đô thị ở Tây Ninh có mật độ dân số thấp hơn tiêu chuẩn; mật độ xây dựng còn thấp; nguồn đầu tư công hạn chế dẫn đến chậm phát triển các công trình công cộng và hạ tầng theo chương trình PTĐT và quy hoạch chung. Việc đầu tư hạ tầng phát triển các dịch vụ dân sinh tại các khu vực lân cận các khu công nghiệp còn chậm dẫn đến nhiều khu vực phát triển tự phát dọc trục lộ và gần khu công nghiệp.
Một số khu tái định cư chưa thu hút dân cư; hầu hết các khu kinh tế và đô thị cửa khẩu không đạt được quy mô quy hoạch, không thu hút được lao động và dân cư. Đây là những vấn đề cần được đánh giá nhằm điều chỉnh chính sách trong giai đoạn 2021-2030.
Toàn cảnh thành phố Tây Ninh.
Đầu tư nâng loại các đô thị theo lộ trình gắn với định hướng “Tây Ninh xanh”
Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 16 đô thị. Định hướng phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh theo 4 vùng, với 3 trọng điểm phát triển đô thị gồm: cụm đô thị TP. Tây Ninh – thị xã Hoà Thành lan toả kết nối với hồ Dầu Tiếng; cụm đô thị Trảng Bàng – Gò Dầu – Mộc Bài và phát triển dọc sông Sài Gòn.
Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt từ 50% trở lên; giai đoạn 2026-2030, tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 53%, hoàn thành việc phân cấp, phân loại đô thị của giai đoạn 2021-2025. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội phát triển bảo đảm nhu cầu khu vực đô thị và khu công nghiệp, tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quy định hiện hành có liên quan về phát triển đô thị.
Đến năm 2030, Tây Ninh phấn đấu có 16 đô thị, gồm:
1 đô thị loại II: thành phố Tây Ninh (định hướng quy hoạch, tiếp tục phấn đấu đầu tư xây dựng hoàn thiện đạt cơ bản các tiêu chí đô thị loại I);
3 đô thị loại III: Trảng Bàng, Hoà Thành và Gò Dầu (gồm Phước Đông);
5 đô thị loại IV: Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành; 2 đô thị mới: Bến Cầu, Dương Minh Châu (gồm Bàu Năng);
7 đô thị mới loại IV: Tân Lập, Mỏ Công, Trà Vong (huyện Tân Biên); Tân Đông, Tân Hưng (huyện Tân Châu) và Thái Bình, Thanh Điền (huyện Châu Thành).
Bám sát Quy hoạch tỉnh và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Tây Ninh đến năm 2030, nhiệm vụ phát triển đô thị tiếp tục được lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh Tây Ninh quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư, nâng loại đô thị theo lộ trình gắn với định hướng đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh.
Tại kỳ họp thứ 12 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh khoá X thông qua Đề án phân loại đô thị của 2 thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng là đô thị loại III; kỳ họp trước đó, HĐND tỉnh cũng đã thông qua Đề án phân loại đô thị thành phố Tây Ninh là đô thị loại II. Đây là trình tự thủ tục pháp lý để UBND tỉnh chỉ đạo hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt các Đề án và chuẩn bị các bước tiếp theo để hiện thực hoá mục tiêu nâng loại đô thị.
Ông Nguyễn Nam Hưng- Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Theo quy định hiện nay, các đô thị sau khi được phân loại tiếp tục xây dựng các chương trình phát triển phù hợp với tính chất loại đô thị và dự báo, định hướng phát triển thành đô thị ở mức độ cao hơn. Việc đánh giá nâng loại đô thị có hai ý nghĩa lớn, thứ nhất là để rà soát, chấm điểm theo các tiêu chuẩn để biết được trình độ phát triển đô thị đang ở mức nào, có định hướng tiếp tục đầu tư bảo đảm đạt các tiêu chuẩn. Mục tiêu thứ hai là để trở thành thành phố yêu cầu tối thiểu đô thị đó phải đạt tiêu chuẩn từ loại III trở lên. Hiện nay, thị xã Hoà Thành và Trảng Bàng đang phấn đấu xây dựng phát triển đô thị theo đúng lộ trình, từ loại IV lên loại III, phấn đấu thành lập thành phố và tiếp tục xây dựng, phát triển đô thị phù hợp với chương trình phát triển đô thị và Quy hoạch tỉnh”.
Cũng tại kỳ họp thứ 12 vừa qua, HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải thị trấn Châu Thành – giai đoạn 2. Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Nam Hưng cho biết thêm, chủ trương đầu tư hệ thống xử lý nước thải Châu Thành cũng như các dự án đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các địa phương khác trên địa bàn tỉnh là một yêu cầu bắt buộc trong chương trình phát triển đô thị.
Đối với dự án hệ thống xử lý nước thải thị trấn Châu Thành – giai đoạn 2, đây là dự án nhóm B với quy mô xây dựng trạm xử lý nước thải công suất 600m3/ngày, đêm; xây dựng 2 hố bơm chuyển nước và hoàn chỉnh các tuyến ống thu gom nước thải về trạm xử lý; tổng mức đầu tư dự kiến trên 135 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Mục tiêu đầu tư (kết hợp với giai đoạn 1 của dự án đã đầu tư hoàn thành trong năm 2023) nhằm hoàn thiện toàn bộ dự án, đưa hệ thống xử lý vào vận hành, khai thác. Từ đó, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, nâng cao sức khoẻ người dân, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững đô thị Châu Thành.
“Đây là nhiệm kỳ mà vấn đề xử lý môi trường đô thị được lãnh đạo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung nguồn lực đầu tư cao nhất từ trước tới nay. Tỉnh uỷ, UBND tỉnh quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đô thị đồng bộ để giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong PTĐT”, ông Nguyễn Nam Hưng- Giám đốc Sở Xây dựng nhấn mạnh.
>>> Tây Ninh ghi nhận thêm 2 thị xã đạt chuẩn đô thị loại III
Nguồn : Báo Tây Ninh
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: