Đây là lần đầu tiên cả 4 luật quan trọng liên quan bất động sản được thông qua và áp dụng cùng thời điểm. Sự đồng bộ hóa về luật được kỳ vọng giúp thị trường phát triển bền vững.
Từ ngày 1/1/2025, các luật liên quan đến thị trường bất động sản sẽ cùng có hiệu lực thi hành.
Sáng 18/1, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngoại trừ Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực sớm hơn, thì Luật Đất đai sẽ cùng được áp dụng từ ngày 1/1/2025 với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã được thông qua cách đây không lâu.
Phát biểu tại diễn đàn “Thị trường bất động sản năm 2024 – Nhận diện thách thức và cơ hội phục hồi” chiều 18/1, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV nhấn mạnh việc thông qua nhiều luật quan trọng liên quan đến bất động sản là chưa từng có trong lịch sử.
“Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội điều chỉnh cùng lúc 4 luật quan trọng về bất động sản như hiện nay và áp dụng cùng một thời điểm. Điều này giúp đồng bộ hóa chính sách và tăng cường sự minh bạch để thị trường bất động sản có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững hơn. Các luật cũng sẽ giải quyết những tồn đọng trong lịch sử, góp phần khai thác nguồn lực của thị trường bất động sản”, ông Lực chia sẻ.
Tình trạng ách tắc nguồn cung được khơi thông
Cũng tại diễn đàn, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục quản lý Nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết pháp lý vẫn là vấn đề mấu chốt khi chiếm tới 70% các vướng mắc về bất động sản, khiến hàng trăm dự án tắc nghẽn, nguồn cung thiếu hụt, dòng tiền không được luân chuyển một cách linh hoạt, phù hợp.
Do đó, 4 dự án luật được thông qua sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc chính này. Theo ông, mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đến ngày 1/1/2025 mới có hiệu lực, nhưng về cơ bản năm 2024 sẽ tạo “bước chạy đà” phù hợp cho thị trường.
Lấy ví dụ về nhà ở xã hội, ông Hải khẳng định các quy định về quy hoạch, giá bán, đối tượng, ưu đãi, quỹ đất, phát triển nguồn vốn cho xã hội… khi được áp dụng sẽ tạo nguồn cung cao trong thời điểm đang mất cân đối cung cầu như hiện tại.
“Thị trường khả năng sẽ sớm tăng tốc khi các luật chính thức có hiệu lực. Chúng ta đã có khởi sắc trong năm 2023, thời điểm chúng ta vượt qua sẽ không còn xa”, ông Hải nói.
Riêng với Luật Đất đai (sửa đổi), TS Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) kiêm Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam (VNREA) – cho rằng sẽ giúp chủ đầu tư tiếp cận được quỹ đất rõ ràng hơn khi được điều chỉnh theo hướng công khai, minh bạch.
Đồng thời, theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), Luật Đất đai (sửa đổi) cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, thương mại, dịch vụ, du lịch, y tế, giáo dục, nghiên cứu khoa học, công viên, khu vui chơi giải trí…
Dù vậy, để thực sự thấy rõ tác động đến thị trường, TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần sớm hoàn thiện thể chế theo hướng ban hành hướng dẫn thực hiện các lluật đã thông qua, để sớm đưa luật đi vào cuộc sống.
Thị trường năm nay sẽ “ấm, sạch và thông thoáng”
Đánh giá cụ thể hơn về bức tranh thị trường, TS Nguyễn Văn Đính cho rằng nền kinh tế đã đi qua giai đoạn khắc nghiệt nhất. Do đó, dù năm 2024 thị trường chưa thể “rực rỡ” ngay, nhưng ông chắc chắn môi trường bất động sản sẽ tốt hơn trước.
“Thị trường đang được thanh lọc, có thể nói những ‘vi khuẩn’ đã được thanh lọc dần và năm 2024 thị trường sẽ ấm, sạch và thông thoáng hơn”, ông ví von.
Thị trường bất động sản đang được thanh lọc và sẽ chuyển biến tích cực trong năm 2024.
Để thị trường bất động sản tốt hơn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh mong muốn và đề nghị doanh nghiệp bất động sản cần chủ động đa dạng hóa nguồn vốn.
Ngoài việc sử dụng tín dụng ngân hàng, doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu, cổ phiếu, quỹ đầu tư, thuê tài chính…, đồng thời huy động vốn liên quan đến mục tiêu sử dụng cụ thể, giảm đòn bẩy tài chính và hạn chế đầu tư dàn trải…
“Doanh nghiệp bất động sản cần tập trung hoàn thành các dự án đang dang dở, nhất là các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở phân khúc giá rẻ để tăng tính thanh khoản”, ông nhấn mạnh.
Trong hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp cần chú ý đảm bảo chất lượng sản phẩm khi trao đến tay khách hàng, đảm bảo về tính pháp lý, bố trí đầy đủ về hạ tầng xã hội, đa dạng và đồng bộ về tiện ích, dịch vụ.
“Thị trường bất động sản có nhiều khó khăn, rất mong các doanh nghiệp cùng chia sẻ để làm sao hạ được giá bán, có các biện pháp tiết giảm chi phí để giảm giá thành sản phẩm, cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu thực tế của người dân, vừa túi tiền, thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục nhanh và tốt hơn”, ông nói thêm.
>>> Những điểm mới nổi bật nhất trong Luật Đất đai sửa đổi
Nguồn : Tạp chí tri thức
Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:
Để xem thêm dự án vui lòng gửi yêu cầu về Email: